Hàng quán mở bán online nhưng phí giao hàng quá cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những thông tin về việc TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 16 đến 30-9 đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Cùng với việc thực hiện giãn cách, TP cũng điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, các shipper được phép hoạt động liên quận, huyện và TP Thủ Đức, các dịch vụ ăn uống được phép hoạt động… Tuy nhiên, các hoạt động trên đều phải đảm bảo những điều kiện theo quy định.

Một quán ăn ở quận 7, TP.HCM giao thức ăn cho khách thông qua shipper. 
Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nhiều bạn đọc thắc mắc ở một số địa phương thực hiện mở lại các quán ăn uống sẽ được thực hiện ra sao trong thời gian từ ngày 16 đến 30-9.

Còn ngại khi mua đồ ăn online

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường 7, quận Gò Vấp) cho biết đã một thời gian dài gia đình chị không mua thức ăn ở ngoài, chỉ mua thực phẩm về tự chế biến. Nghe TP cho phép mở các quán ăn với hình thức đặt qua app, chị cũng mừng vì các con có thể được ăn những món yêu thích.

“Đặt mua hàng chế biến sẵn ở các cửa hàng trong mùa dịch này tôi cũng hơi lo. Bởi không biết các quán chế biến có đảm bảo được an toàn vệ sinh không. Mong các cơ quan chức năng quản lý thật chặt đối với các hoạt động được mở lại, phải đảm bảo yêu cầu vừa nới lỏng vừa an toàn phòng chống dịch” - chị Thanh nói.

Còn theo chị Ngọc Ánh (phường 15, quận Tân Bình), gia đình chị có một quán phở bò, ngay từ đầu dịch đã đóng cửa đến nay. Vừa rồi có nghe thông tin TP cho các quán ăn đủ điều kiện như có đăng ký giấy phép kinh doanh và thực hiện một số quy định tiêm vaccine, xét nghiệm COVID-19… thì sẽ được mở trở lại. Tuy nhiên, chị không biết ngoài những điều kiện đó thì quán có cần phải báo cáo chính quyền địa phương để được hoạt động lại không.

Quán ăn uống muốn mở lại phải đủ điều kiện

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Nghị, Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết theo văn bản hướng dẫn của TP thì những quán ăn được mở lại từ ngày 15 đến 30-9 phải đáp ứng những điều kiện sau: Các nhân viên phục vụ phải thực hiện “ba tại chỗ”, quán chỉ được bán thông qua shipper, phải thực hiện xét nghiệm COVID-19, quán có đăng ký giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

“Hiện nay, trên địa bàn phường cũng có vài quán ăn đã mở lại. Các chủ quán này cũng đã thực hiện gửi giấy tờ theo những điều kiện trên để phường quản lý. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, phường sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát xem các quán này có thực sự bán thông qua shipper hay không. Đồng thời, phường sẽ giám sát thường xuyên để tránh tình trạng người dân khu vực đến mua, không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16” - ông Nghị cho biết thêm.

Trên chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” vào tối 15-9, ông Nguyễn Bá Thành (Chủ tịch UBND quận Tân Bình) và ông Nguyễn Văn Hồng (Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ) đã có chia sẻ về những hoạt động quán ăn uống của người dân trên địa bàn từ sau ngày 15-9.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, thông tin sau ngày 15-9, huyện Cần Giờ sẽ thực hiện thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội theo tiêu chí “khóa chặt bên ngoài, từng bước nới lỏng bên trong” đến ngày 30-9.

Theo đó, người dân huyện Cần Giờ được phép mở lại các hàng quán dịch vụ ăn uống nhưng không ăn tại chỗ mà chỉ bán mang về.

Trước những thắc mắc trong chương trình về việc người dân huyện Cần Giờ có được đi lại mua thức ăn khi cửa hàng ăn uống được mở, ông Hồng cho biết huyện Cần Giờ sẽ thực hiện “mỗi người dân là một shipper”. Theo đó, những người đã tiêm hai mũi, sau 14 ngày sẽ được đi lại mua thức ăn nhưng phải tuân thủ những nguyên tắc phòng chống dịch.

Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Bá Thành cho biết hiện nay, quận Tân Bình vẫn thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. Ngoài ra, theo Văn bản 2998 của UBND TP thì các cửa hàng ăn uống được mở trở lại khi đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu. Những trường hợp quán nước, thức ăn được mở lại phải liên hệ với UBND phường để được xem xét cho hoạt động trở lại.•

Mong phí ship giảm để người mua thấy hợp lý

- “Tôi cả tháng nay thèm tô bún bò nhưng không thể mua được, mà có mua cũng không quán nào bán. Nghe các quán được mở bán online trở lại tôi mở app ra đặt ngay. Thế nhưng tiền ship đắt quá và đặt cả giờ đồng hồ mới có tài xế nhận đơn. Tô bún bò giá tôi đặt là 45.000 đồng mà tiền ship 27.000 đồng trong khi khoảng cách từ nhà đến quán chưa đầy 2 km” - chị Phạm Thanh Nga (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM).

- “Nhà tôi vừa mở lại cửa hàng bánh mì cách đây vài ngày nhưng chỉ bán mang về thông qua shipper thôi. Thế nhưng với mặt hàng như bánh mì mà bán qua shipper thì cũng có cái bất lợi. Bởi bình thường khách đến mua chỉ vài ổ bánh mì với số tiền rất nhỏ. Giờ nếu đặt qua app, phí khách phải trả có khi cao gấp mấy lần so với số tiền mua bánh mì. Người bán cũng mong phí ship giảm để người bán và người mua đều thấy hợp lý” - anh Nguyễn Văn Thuận (chủ cửa hàng bánh mì trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm