Cách đây một tháng, tôi đăng ký cho con gái tôi học tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn quận 6. Kể từ đó đến nay, hầu như ngày nào tôi cũng bị dội bom chào mời học tiếng Anh từ các trung tâm Anh ngữ khác nhau.
Câu chào mời ban đầu lúc nào cũng là “Chị có phải là phụ huynh của cháu TM không ạ?”. Lần nào nghe tôi cũng giật thót tim vì lo con mình đang học ở trường tiểu học có chuyện gì không hay. Sau khi bình tĩnh lại thì tôi mới từ chối cuộc gọi.
Những cuộc gọi ngoài mong muốn
Tôi đang muốn phát cáu với các cuộc gọi quảng cáo mỗi ngày. Tôi không hề mua bán đất đai, nhà cửa gì cả nhưng liên tục nhận những cuộc gọi chào bán đất nền. Tôi không mua bảo hiểm vẫn liên tục nhận những cuộc gọi chào bán bảo hiểm. Người chào có, máy chào tự động cũng có.
Đó là chưa kể có những cuộc gọi kém duyên hết sức. Mới sáng nay tôi nhận cuộc gọi từ một trung tâm chăm sóc da nói sẽ tặng cho tôi bộ mỹ phẩm. Tôi từ chối ngay thì đầu dây bên kia gắt: “Chị có biết em tặng chị gì chưa mà từ chối?”. Tôi bảo tôi không có nhu cầu. Họ vẫn tiếp tục năn nỉ. Tôi nói: “Xóa tên chị khỏi danh sách. Chị không có nhu cầu nhận quà trên trời rơi xuống”. Đầu dây bên kia gắt gỏng trước khi cúp máy: “Chị vô duyên quá, quà tặng cho mà không nhận còn chê”.
Với tin nhắn rác thì chỉ một thao tác mở máy và xóa là xong nhưng riêng cuộc gọi rác thì khách hàng buộc phải mở máy nghe những câu chào mời xa lạ không mong muốn.
Chúng ta mỗi ngày phải áp tai vào điện thoại để xử lý công việc đã mệt rồi, cớ sao cứ phải nghe những cuộc gọi quảng cáo không mong muốn vậy?
Thời đại công nghệ bây giờ ai cần gì, muốn tìm thông tin gì chỉ cần gõ phím vài giây là ra, đâu cần mọi thứ rác cứ ập vào tai một cách không mong muốn.
Nhiều cuộc gọi rác, tin nhắn rác cứ ập vào tai, vào mắt một cách không mong muốn. Ảnh: HTD
Cần chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác
Tôi vừa đọc bài “Chặn đứng tin nhắn rác “dội bom” hành hạ khách hàng” đăng ngày 12-11 trên Pháp Luật TP.HCM, thấy có tia hy vọng le lói để mong chấm dứt chuyện này. Đó là Bộ TT&TT đã công bố dự thảo nghị định mới nhất về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại.
Dự thảo đề xuất một số nội dung mới như tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký không chấp nhận tất cả tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đối với số điện thoại thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.
Trong dự thảo, Bộ TT&TT cũng đưa ra một biện pháp quản lý mới là sẽ có “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”. Theo đó, người dùng sẽ đăng ký với nhà mạng hoặc với Bộ TT&TT để được đưa vào danh sách này.
Vấn đề đặt ra là có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc này không. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng các cơ quan chức năng làm sao phân biệt được đâu là cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo; đâu là cuộc gọi, tin nhắn liên lạc bình thường. Với tư cách một người dùng duy nhất một số điện thoại trong hơn 20 năm qua và liên tục bị làm phiền, tôi có hai góp ý với Bộ TT&TT:
Thứ nhất, với những tin nhắn rác, tôi cho rằng cần có quy định khi có “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào trước khi muốn chào bán hàng qua điện thoại (telesale) đều phải tra xem số điện thoại đó có nằm trong danh sách trên hay không. Nếu có thì tuyệt đối không được nhắn để quảng cáo chào hàng. Nếu đơn vị bán hàng vẫn cố tình nhắn thì khách hàng có quyền chuyển tiếp các tin nhắn rác đến đầu số 456 của trung tâm trực thuộc Bộ TT&TT để nơi đây phân loại và yêu cầu nhà mạng xử lý từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, với những cuộc gọi rác, thiết nghĩ cũng cần một cơ chế tương tự như trên để tiếp nhận phản ánh của khách hàng (bởi hiện nay đầu số 456 chỉ mới nhận phản ánh tin nhắn rác). Nghĩa là trung tâm trực thuộc Bộ TT&TT đang giữ đầu số 456 cần mở thêm kênh tiếp nhận chuyển tiếp cuộc gọi rác. Khách hàng có quyền ghi âm cuộc gọi và chuyển đến cho trung tâm phân loại, xử lý. Quan trọng nhất vẫn là chế tài thật nghiêm để không còn tái diễn tình trạng này.
Tôi tin rằng việc làm này trong tầm tay của Bộ TT&TT nếu quyết tâm dẹp tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Tôi mong dự thảo sớm được thông qua để quy định này được thực thi. Chắc chắn tôi sẽ là một trong những người đầu tiên đăng ký vào danh sách nói trên.
Điều kiện để gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo Dự thảo cũng đề xuất chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo trong khoảng thời gian từ 9 đến 22 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận. Quy định được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo trong khoảng thời gian nhất định chỉ nên dành riêng cho những người nằm ngoài “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”. Hàng triệu cuộc gọi rác 10.000 số thuê bao thực hiện hàng triệu cuộc gọi rác gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng điện thoại, con số này do các nhà mạng thống kê. Tuy nhiên, đến nay các nhà mạng chưa có những con số thống kê cụ thể về cuộc gọi rác hằng ngày, hằng tháng và hằng năm. Đây là thông tin trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 8-11 vừa qua. |