Hiệu trưởng cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp: Cần tôn trọng sự khác biệt?

(PLO)- Bên cạnh những lời mỉa mai, nhiều người đã bày tỏ ý kiến ủng hộ vị hiệu trưởng cầm quyền trượng, đeo vòng cổ trong lễ tốt nghiệp của trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) mới đây. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hai ngày nay, mạng xã hội xôn xao, lan truyền hình ảnh PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đội mũ màu đỏ, tay cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo vòng cổ, dẫn đầu các thầy cô giáo của trường tiến vào hội trường.

Cạnh đó, các thành viên trong ban nghi lễ cũng mặc áo nhung đỏ pha đen, đội mũ màu đen…. trong lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022.

Hình ảnh PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cầm quyền trượng trong lễ trao bằng tốt nghiệp tối hôm 29-7. Ảnh FB nhà trường.
Hình ảnh PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cầm quyền trượng trong lễ trao bằng tốt nghiệp tối hôm 29-7. Ảnh FB nhà trường.

Những hình ảnh tại buổi lễ được chia sẻ trên mạng xã hội gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều. Không ít người giọng đây mỉa mai, như thể thầy Hiệu trưởng và tập thể nhà trường này đang phạm phải lỗi lầm hay sai phạm to lớn về mặt chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của mình.

"Tất cả cũng chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho sinh viên trong buổi lễ tốt nghiệp, mà lễ phục ấy mới, cái mới thì có nhiều sự khác biệt, nhà trường muốn tiếp thu các ý kiến, trên tinh thần cầu thị…" - thầy Lê chia sẻ với PLO vào đêm ngày 31-7.

Bên cạnh những ý kiến mỉa mai, chê bai, một số người lại cho rằng trang phục tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp hôm 29-7 của nhà trường không có gì đáng chê trách, chỉ là họ làm mới, có một phong cách “dị” hơn hay diêm dúa hơn so với những buổi lễ tốt nghiệp ở các trường khác.

Nhiều giảng viên cũng như nhà báo đã lên tiếng bênh vực và khen, đó là một cách sáng tạo riêng biệt của nhà trường. Trong buổi lễ, tất cả thầy trò ai nấy cũng đều nở nụ cười tươi, rạng rỡ, vì đó là ngày trọng đại của nhiều người.

Không đưa ra ý kiến bàn luận, nhưng TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế Luật) đã dẫn chứng nhiều hình ảnh tương tự nhằm ám chỉ sự việc đang gây tranh cãi. Ảnh: Chụp màn hình.

Không đưa ra ý kiến bàn luận, nhưng TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế Luật) đã dẫn chứng nhiều hình ảnh tương tự nhằm ám chỉ sự việc đang gây tranh cãi. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo đó một giảng viên hiện đang công tác tại trường ĐH KH XH&NV TP.HCM chia sẻ:

"Chắc mặc áo dài trao bằng, cầm bông lúa hay cái liềm thay cho quyền trượng thì cộng đồng bàn phím mới an lòng quá!

Áo thụng, nón tốt nghiệp…trong lễ tốt nghiệp trong trường đại học thì Đông học Tây bao nhiêu năm rồi! Có khi chúng ta cứ mong chờ ở đâu đó một sự thay đổi, rồi đến khi sự thay đổi diễn ra thì cho rằng "khác lạ và không quen thuộc". Hay có khi chúng ta nhìn sự việc với tâm thế định kiến, thì khả năng cao là nó sẽ chẳng phù hợp với lối nhìn của chúng ta chút nào và bắt đầu gán nó với những danh xưng, tính từ nào đấy!

Quyền trượng, "cái chùy" hay mace trong tiếng anh từ lâu đã được sử dụng như biểu tượng của nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Chúng tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường Đại học và chỉ xuất hiện khi người đứng đầu của trường có mặt.

Truyền thống của mace bắt nguồn từ thời trung cổ ở Anh, khi chiếc mace được giữ bởi một vệ sĩ cho các chức sắc tại các nghi lễ. Các mace dùng cho nghi lễ được sử dụng bởi nhiều cơ quan quản lý trên toàn thế giới, bao gồm Hạ viện Hoa Kỳ và Quốc hội Anh, Quốc hội Canada.

Mace của trường đại học được nhìn thấy tại các buổi lễ Trao bằng, khai giảng hay bổ nhiệm hiệu trưởng. Là một biểu tượng cổ xưa của uy quyền, nó nhắc nhở chúng ta rằng các trường đại học là những người bảo vệ cả truyền thống học tập lâu dài và sức mạnh mà trường ban tặng cho những người đến học. Nó cũng là một lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng.

Nhưng với hình ảnh lễ đang được chia sẻ, nếu bớt đi chi tiết vòng đeo cổ thì sẽ đỡ "diêm dúa" hơn".

Bài chia sẻ của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng trên trang cá nhân. Ảnh: Chụp màn hình.

Bài chia sẻ của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng trên trang cá nhân. Ảnh: Chụp màn hình.

Nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng hài hước viết trên trang cá nhân: "Thật ra tôi thấy về nghi thức,lễ phục... trong lễ tốt nghiệp các cấp, nhất là Cử Nhân Đại Học, nên giao các trường tự sáng tạo, lên mẫu, lên kịch bản cho chính trường họ để tạo sự sáng tạo đa dạng trong môi trường giáo dục. Bởi với giáo dục, yếu tố sáng tạo nên được đặt ở vị trí quan trọng nhất. Tránh xu hướng quay lại một khuôn mẫu chung rập khuôn nghèo nàn rồi lại sẽ giáo điều chán ngán.

Vấn đề là chính nhà trường phải tìm ra hồn cốt của mình để tạo dựng những lễ hội đặc trưng nhất, sẽ tạo nên truyền thống lịch sử, giá trị lễ hội ... của nhà trường.

Riêng, bối cảnh lễ tốt nghiệp trong hình này thì cũng đầy màu sắc, kiểu tây, nhưng nhìn không quen thấy nó ma mị giống kiểu trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts của Harry Potter hơn. Nhìn tếu tếu, cười cười thôi, cũng không có gì đáng lên án lắm".

Nguyên văn bài viết của nhà báo Hoàng Tư Giang về vụ việc đang gây tranh cãi. Ảnh: chụp màn hình.

Nguyên văn bài viết của nhà báo Hoàng Tư Giang về vụ việc đang gây tranh cãi. Ảnh: chụp màn hình.

Nhà báo Hoàng Tư Giang cũng đã đăng tải bài viết với tựa đề "Không tôn trọng sự khác biệt" để nói về vấn đề đang gây tranh cãi.

"Nhiều người, đặc biệt là lớp có tuổi, đang phản đối hình ảnh thầy hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế PGS.TS Nguyễn Trúc Lê “mặc áo nhung, cầm quyền trượng, đeo vòng cổ” tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2022 của trường. Nhiều người dùng từ ngữ rất nặng nề, nào lai căng, nào phá vỡ ngôi đền học thuật,…

Sự kiện này gợi nhớ đến trường hợp Hiệu phó trường Đại học Văn Lang, GS Trương Nguyện Thành vì những lần mặc “quần đùi” lên giảng đường của ông. Hồi đó, GS Thành cũng gặp nhiều phê phán, chỉ trích.

Thoạt xem các hình ảnh trên mạng, tôi cũng có cảm giác như vậy. Song, hãy bình tĩnh suy nghĩ xem phê phán các thầy từng tốt nghiệp ở các đại học nước ngoài tân tiến như vậy có đúng? Chúng ta nói tôn trọng sự khác biệt, nhưng sự khác biệt xảy ra là chúng ta luôn có xu hướng vùi dập.

Sao không hỏi xem các bạn sinh viên có thích hay không; họ có tôn trọng và quý mến các thầy giáo của mình vì kiến thức đã dạy? Sao không xem lại thành tích của trường đại học kinh tế, xem họ đang dẫn đầu như thế nào?" – nhà báo Hoàng Tư Giang cho hay.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng đặt nghi vấn khi hình ảnh của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê bị chỉ trích một cách vô lý. Ảnh: Chụp màn hình.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng đặt nghi vấn khi hình ảnh của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê bị chỉ trích một cách vô lý. Ảnh: Chụp màn hình.

"Mọi người có thể cho mình hỏi hình ảnh này sai ở đâu? Vi phạm ở đâu mà tới mức Đại học Quốc gia Hà Nội gửi công văn đến Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, đề nghị báo cáo?

Trong một ngày tràn ngập sự hạnh phúc và tự hào như Lễ tốt nghiệp, chẳng lẽ họ không được quyền bay bổng?

Chẳng lẽ cứ nổ ra tranh cãi trên mạng xã hội là chúng ta buộc phải “làm căng” với những người thực hiện để xoa dịu dư luận, mà bỏ qua luôn việc đánh giá suy xét trên bản chất sự việc đó?" - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm