Từ vòng loại U-23 châu Á cho đến SEA Games, gần như mỗi trận đấu có nửa đội hình hoặc nhiều hơn, là các nhân tố mới gây thích thú cho những cầu thủ theo kiểu ai cũng có suất có phần ra sân.
Thế nhưng mặt trái của việc xáo trộn con người lẫn cách chơi đã nhiều lần khiến ông Miura thất bại và điều quan trọng là không tạo ra một bộ khung vững chắc. Đơn giản việc cầu thủ thích nghi với lối chơi mới đã khó khăn thì mỗi lần ra sân lại buộc phải hòa hợp với đồng đội mới sẽ không thể giúp họ hiểu ý nhau nhiều hơn.
HLV Miura thay đổi liên tục nhưng vẫn chưa ra đội hình ưng ý và lối đá hợp lý. Ảnh: XUÂN HUY
Ở vòng chung kết U-23 châu Á cũng thế. Mãi đến hai trận giao hữu cuối cùng trên đất Qatar để rèn đội hình chính thức cho các trận đánh lớn, ông Miura vẫn thích xoay tua thử nghiệm cầu thủ. Thậm chí, ngay cả chiếc băng đội trưởng suốt sáu trận giao hữu lần lượt “lưu lạc” trên cánh tay của nhiều cầu thủ khác nhau nhưng đến trận ra quân lại thuộc về Hữu Dũng chưa từng một lần đeo nó.
Sự phân vân của ông Miura trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những quyết định khác thường không mang lại hiệu quả cho đội tuyển U-23 Việt Nam. Chẳng hạn, ông thầy người Nhật chọn gần một đội hình của HA Gia Lai lên tuyển mà chưa thấy ông phát huy rõ ràng vai trò của họ như dưới thời của HLV Guillaume. Ông thích mẫu học trò phải đa năng như kiểu của Thanh Hiền đến nỗi không ai nhận ra cầu thủ này chơi hay nhất ở vị trí nào…
Trận gặp U-23 Úc đêm nay, ông Miura vẫn tiếp tục thử cầu thủ nhưng nghiệm ra sao thì vẫn chưa rõ.