Hổ chết tại vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An

Chưa có quy trình chuẩn về việc chăm sóc, nuôi nhốt tê giác nên có sai cũng không thể phạt. Những thông tin này được các ông Lê Hữu Lợi, Phó Chi cục trưởng và Trần Văn Trí, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Cục Kiểm Lâm Long An), xác nhận vớiPháp Luật TP.HCM sáng nay, 29-2.


Hổ chết do bị bệnh tâm thần

Ông Trần Văn Trí cho biết vào lúc 14 giờ 47 phút ngày 27-2-2016, ông nhận được điện thoại của ông Lâm Phúc Hoành, Giám đốc vườn thú Mỹ Quỳnh (ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, Đức Hòa, Long An), cho biết một con hổ vàng trọng lượng hơn 100 kg chết tại vườn thú. Trước đó ông Hoành cho biết con hổ này có biểu hiện tâm thần do nó thường xuyên nhảy lồng lộn trong chuồng.

 Ông Lê Hữu Lợi và ông Trần Văn Trí làm việc với các nhà báo sáng 29-2.


Theo quan sát của PV, xung quanh khu vực nuôi nhốt hổ và sư tử của Mỹ Quỳnh có những xưởng cơ khí phục vụ việc xây dựng vườn thú, nơi đây thường có tiếng ồn do hoạt động của xưởng. Liệu đây có là nguyên nhân khiến thú bị stress? Ông Trần Văn Trí cho biết muốn biết nguyên nhân thú chết phải qua thẩm định chứ không thể kết luận ngay được.

Được biết, con hổ chết đang được bảo quản lạnh chờ xử lý của cơ quan chức năng. Theo ông Trí, nó có thể dùng làm tiêu bản nghiên cứu hoặc tiêu hủy nếu không có nơi nhận.

Mỹ Quỳnh nuôi nhốt 1/2 số tê giác hiện có tại Việt Nam

Theo thông tin từ Cites Việt Nam, cả nước hiện có 36 cá thể tê giác. Riêng Mỹ Quỳnh từng nuôi nhốt 19 cá thể tê giác, sau đó chuyển đi Safari Phú Quốc 14 cá thể vào các ngày 16 và 21-12-2015.

Trước đó Mỹ Quỳnh xin phép chuyển cho Safari 16 cá thể tê giác nhưng chỉ lùa được 14 con vào lồng chuyên dụng. Số tê giác này rời Mỹ Quỳnh trong các lồng chuyên dụng và được đưa lên xe container.

Số tê giác tại Mỹ Quỳnh được UBND tỉnh Long An cho phép nuôi nhốt tạm trong thời gian chờ xây dựng hoàn chỉnh vườn thú. Trước đó UBND tỉnh đã được tham mưu bởi Cites, Thảo Cầm Viên TP.HCM và ngành kiểm lâm. 

Một góc vườn thú Mỹ Quỳnh


Kiểm Lâm Long An cho biết cơ quan này đã đi kiểm tra vườn thú Mỹ Quỳnh ba lần: Trước khi đưa thú về; khi nhập thú về và khi xuất số tê giác đi Safari Phú Quốc.

Khi được hỏi việc nuôi nhốt thú mà xung quanh là xưởng cơ khí thì có bảo đảm hay không, có bị xử phạt hay không, ông Trần Văn Trí cho biết không thể xử lý vì hiện chưa có văn bản pháp quy nào về quy chuẩn nuôi tê giác.

Hổ nuôi ở vườn thú Mỹ Quỳnh

Khi được hỏi liệu việc nuôi tê giác chung với heo gà, nảy sinh nguy cơ dịch bệnh thì sao, ông Trí cho biết sẽ kiểm tra nhắc nhở "nuôi con nào ra con nấy" chứ không thể xử phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm