Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh khi làm thủ tục về thuế thì bị cơ quan thuế yêu cầu đăng ký nộp thuế điện tử, nếu không đăng ký thì không được giải quyết thủ tục, không được nhận hồ sơ.
Ghép hai thủ tục
Ông TQN, kế toán trưởng của một công ty tại quận 3 (TP.HCM), bức xúc kể lại vụ việc đi nộp hồ sơ kê khai thuế lần đầu cho DN mới thành lập. “Cán bộ thuế của Chi cục Thuế quận 3 không chịu nhận hồ sơ kê khai thuế lần đầu, bắt DN phải kèm thêm hồ sơ đăng ký nộp thuế điện tử”.
Lúc ấy, nhân viên kế toán của công ty yêu cầu cán bộ thuế đưa ra văn bản nào, quy định nào buộc DN phải đăng ký nộp thuế điện tử mới cho kê khai thuế lần đầu. Cán bộ thuế không đưa ra văn bản được nhưng cũng không chịu nhận hồ sơ. Nhân viên kế toán yêu cầu được gặp lãnh đạo để trao đổi thì được hẹn hôm sau đến gặp.
Nhân viên này chấp nhận đi về, báo cáo cho công ty. Hôm sau, chính ông N. đến Chi cục Thuế này để làm việc. Chi cục Thuế không đưa được căn cứ pháp lý về việc ghép hai thủ tục này với nhau, sau đó cán bộ thuế mới chịu nhận hồ sơ. “Chỉ chuyện đăng ký thuế thôi mà mất hai buổi làm việc của DN” - ông N. nói.
Ông N. phân tích chuyện nộp thuế điện tử là việc khuyến khích chứ không phải quy định bắt buộc, đặc biệt là không liên quan gì đến thủ tục khai thuế lần đầu. DN mới thành lập, món thuế đầu tiên phải nộp là 1 triệu đồng tiền thuế môn bài nhưng lại bắt DN đăng ký và nộp khoản thuế này bằng điện tử. DN chưa rành rẽ về chữ ký số, công nghệ thông tin nên dù có nghe tuyên truyền về lợi ích nhưng DN vẫn chưa muốn thực hiện việc nộp thuế bằng điện tử.
Người nộp thuế cầm tiền mặt đi nộp tại kho bạc nhà nước. Nếu đăng ký nộp thuế điện tử thì có thể ngồi tại nhà, lên mạng để nộp mà không cần cầm tiền mặt đi nộp như vậy. Ảnh: QUỲNH NHƯ
DN nhỏ còn lo ngại
Ông Lê Văn Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 3, cho biết đúng là có việc ghép các thủ tục với nhau để vận động DN - đặc biệt là DN mới thành lập - cùng tham gia nộp thuế điện tử. Các DN lớn, thành lập đã lâu thì hiểu rõ lợi ích nên đã đăng ký cả năm qua rồi. Số DN chưa đăng ký chủ yếu là các DN nhỏ còn tâm lý lo ngại, các DN mới thành lập chưa biết đến chính sách khuyến khích nộp thuế điện tử. Vì vậy, khi các DN mới lập này đến làm thủ tục thuế lần đầu thì chi cục mới đề nghị hỗ trợ cho DN đăng ký nộp thuế điện tử luôn, hiện đang có ngân hàng tại chỗ kết hợp để tư vấn đầy đủ cho DN.
“Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thì từ ngày 1-12 các ngân hàng sẽ không nhận tiền mặt, không cho chuyển khoản mà chỉ chấp nhận cho DN nộp thuế điện tử. Nếu bây giờ không đăng ký luôn thì đến tháng 12 DN cũng phải đăng ký thôi, mà đến lúc đấy thì tự DN đăng ký chứ không được hỗ trợ gì cả” - ông Khương chia sẻ.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay cả nước đã có hơn 90% DN đăng ký nộp thuế điện tử nhưng số tiền thuế thực nộp qua điện tử còn ít. Như tháng 10 qua, tại TP.HCM có 5.620 tỉ đồng (tương đương 31%) được nộp qua điện tử (trong số gần 18.200 tỉ đồng thuế).
Hiện nay, để đăng ký nộp thuế điện tử, DN cần mua chữ ký số, khoảng 500.000 đồng tùy nhà cung cấp, đồng thời trả phí duy trì chữ ký này hằng năm, từ 700.000 đến 1 triệu đồng/năm.
“Đã tạo điều kiện đến thế...” Đúng là quy định hiện hành thì không bắt buộc DN phải đăng ký nộp thuế điện tử mới giải quyết các thủ tục khác. Tuy nhiên, việc nộp thuế điện tử là thuận lợi hơn cho DN, minh bạch hơn về tài chính. Chính sách khuyến khích, hiện có nhiều cơ quan thuế hỗ trợ cho DN tiếp cận việc đăng ký, sử dụng hoàn toàn miễn phí. Tôi nghĩ cơ quan thuế đã tạo điều kiện đến thế thì DN cũng nên hợp tác. Ông CAO ANH TUẤN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế |