“Hố tử thần”: Không thể đổ lỗi đất yếu, cống cũ

Chuyên gia nói: Thi công xong tuyến cống mới rồi dùng camera kiểm tra lòng cống cũ và sửa chữa là cách làm ngược.

“Có lý do khách quan như Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng một số cơ quan liên quan lý giải là do nền đất yếu, hệ thống cống cũ mục, khó khăn trong sự đấu nối giữa công trình thoát nước mới và hệ thống thoát nước cũ… nhưng không thể nói tại vì thế mà phải chấp nhận tình trạng lở đất, sụt lún, xuất hiện hố đen liên tục như vừa qua” - vị chuyên gia nói.

Thi công, giám sát có vấn đề

. Thưa ông, cách lý giải của những người liên quan cho rằng do địa chất yếu nên chuyện mặt đường sau thi công bị sụt lún, tạo hố sâu là khó thoát liệu có thuyết phục?

+ Rõ ràng nguyên nhân gây ra là do cống thoát nước, ống cấp nước bị rò rỉ làm đất cát chui vào và trôi đi nơi khác gây rỗng đất xung quanh nên mặt đường mới sụp. Việc lắp đặt cống mới không phải bây giờ ta mới làm mà trước đó cũng đã được làm nhiều nhưng tình trạng sụt đất tạo hố sâu lại ít xảy ra hơn hiện nay. Như vậy, lỗi đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công, hay nói rõ hơn là quá trình thi công có vấn đề.

. Cụ thể vấn đề đó là gì, thưa ông?

+ Do khắp nơi đều trở thành công trường nên nhân lực của nhà thầu bị dàn trải, chi phối nhiều nơi làm cho năng lực thi công của nhà thầu bị giảm. Sụt đất tạo hố sâu trước đây cũng xuất hiện nhưng chỉ là các hố nhỏ chứ không lớn và nhiều như hiện nay.

. Còn chuyện địa chất yếu?

+ Khi gặp địa chất yếu thì rõ ràng thi công khó hơn địa chất tốt. Nhưng ai đó bảo do địa chất yếu nên mặt đường bị sụp là không ổn. Bởi trước khi bắt tay vào thi công, anh đã có quá trình khảo sát để đưa ra phương án thi công. Nếu địa chất khu vực này yếu thì anh phải đưa ra biện pháp thi công như thế nào để đảm bảo an toàn trong và sau thời gian thi công chứ. Chỉ cần khảo sát 10-20 m là biết địa chất của khu vực đó thế nào và tư vấn giám sát, nhà thầu cần biết phải thi công như thế nào để đảm bảo an toàn.

“Hố tử thần”: Không thể đổ lỗi đất yếu, cống cũ ảnh 1

Sụp hố lộ rõ lỗ hở hàm ếch sâu gần 1 m. (Ảnh chụp trưa 20-10 tại ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, quận 1). Ảnh: V.THUẬT

Trong xây dựng, khi gặp phải nền đất bị lỏng do gặp túi nước ngầm, nhà thầu có thể sử dụng cọc đất xi măng (một dạng máy khoan - NV) khoan đưa xi măng xuống trộn với đất ướt để tăng độ rắn chắc cho nền đất, không cần tốn thời gian phải chờ đợi như các biện pháp khác.

. Nhưng quá trình nhà thầu thi công còn có sự theo dõi của tư vấn giám sát và lực lượng giám sát của chủ đầu tư dự án?

+ Đúng. Nhưng việc để xảy ra các vấn đề trong quá trình thi công của nhà thầu cho thấy lực lượng quản lý này bị thiếu. Nếu nhân viên giám sát kiểm tra kỹ ngay từ đầu, thấy hoặc phát hiện kịp thời các nghi vấn trong quá trình thi công như nền đất yếu, nhà thầu đóng thiếu cừ, làm không đúng phương án thi công… và báo ngay lên chủ đầu tư, quyết liệt đưa ra các phương án chấn chỉnh thì các hệ lụy về sau - sụt đất, tạo hố sâu chẳng hạn ít xảy ra hơn. Với cách làm lỏng lẻo như hiện nay thì dù địa chất tốt nhưng với cách thi công như thế thì các sự cố vẫn xảy ra thôi.

Đừng đổ thừa cống cũ!

. Có ý kiến cho rằng nhiều tuyến cống cũ đã mục nát nhưng vẫn đấu nối vào tuyến cống mới nên chuyện bể, rò rỉ ở những điểm đấu nối là khó tránh khỏi và đó cũng là nguyên nhân gây ra sụp lún mặt đường. Ông thấy lý do đó có đúng không?

+ Khi bắt tay vào việc đấu nối cống cũ với cống mới, anh nên hiểu rằng phương án thi công phải khác với chuyện anh đấu nối hai đầu cống mới với nhau. Anh đã biết cống cũ yếu và có thể bể bất cứ lúc nào nhưng không có cách thi công phù hợp thì cống bể là điều hiển nhiên. Bài học rất lớn mà chúng ta thấy ở đây vẫn là lực lượng giám sát thi công. Nếu người giám sát thấy cống cũ dễ bể như phương án đã đề ra ban đầu thì phải báo ngay cho chủ đầu tư biết. Từ đây, chủ đầu tư phải nhanh chóng tìm và đưa ra phương án thi công phù hợp rồi chỉ đạo tất cả gói thầu trong dự án của mình. Rộng hơn, chủ đầu tư báo ngay sự việc lên Sở GTVT để Sở chỉ đạo rộng ra cho các dự án lắp đặt cống đang triển khai và sắp triển khai biết để áp dụng khi đấu nối cống cũ vào cống mới chứ.

Việc đấu nối này thật ra chỉ đòi hỏi kỹ thuật cơ bản chứ đâu cao siêu gì. Ta không thể sử dụng các máy móc, thiết bị lớn dùng để thi công cống mới để làm vì hệ thống cống cũ khá nhỏ. Cũng trám, cũng sửa… nhưng ta phải sử dụng sức người làm thủ công hơn là máy móc và phải cực kỳ chi li.

. Nhưng được biết ở dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau khi thi công xong họ còn có gói thầu nữa là dùng camera kiểm tra lòng cống cũ?

+ Lẽ ra trình tự làm các gói thầu phải ngược lại: Trước khi thực hiện gói thầu thi công và đấu nối tuyến cống mới thì người ta phải thực hiện trước gói thầu kiểm tra, thăm dò và sửa chữa cống cũ. Nắm được các khiếm khuyết của tuyến cống cũ đương nhiên là sẽ có phương án thi công phù hợp khắc phục được những khiếm khuyết đó. Do đó, việc thăm dò trước các tuyến cống cũ là rất cần thiết và quan trọng. Tôi không hiểu sao họ không làm theo cách này.

. Xin cảm ơn ông.

Không giám sát tốt, dễ có chuyện “đốt cháy giai đoạn”

Bất kể một công trình xây dựng nào cũng có quá trình thẩm định phương án thi công do các cơ quan chuyên môn nhà nước thẩm tra. Trong phương án thi công đó phải có cả những tính toán cho những rủi ro có thể xảy ra để có biện pháp thi công khả thi nhất, ít gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận.

Trong quá trình đào đường, nếu thiếu lực lượng giám sát thì nhà thầu khó tuân thủ đủ các yếu tố an toàn kỹ thuật trong thi công. Điều này cũng dễ hiểu vì việc “đốt cháy giai đoạn” làm tăng lợi nhuận cho nhà thầu. Nhưng một hố đào đóng thiếu cừ mà gặp mưa hoặc có mạch nước ngầm chảy mạnh qua thì chắc chắn nước ngầm, nước mưa kéo đất ở những khu vực xung quanh chảy vào hố. Khi đó, nhân viên thi công khó mà thấy được những khu vực xung quanh đang bị rỗng hoặc hở hàm ếch nên họ vẫn làm công việc của mình rồi lấp lại hố. Một thời gian ngắn sau, những nơi bị rỗng sụp thành hố là chuyện khó tránh khỏi.

Còn nói chuyện đào đường thì nhiều khi phải chịu cảnh xảy ra sụt lún là thiếu trách nhiệm. Chẳng lẽ anh xây một tuyến tàu điện ngầm thì các vùng thi công đi qua bị sụp là chuyện đương nhiên, phải chấp nhận? Hay xây một cao ốc có tầng hầm ở khu vực trung tâm mà để xảy ra sập công trình lân cận là điều bình thường? Theo tôi, việc để xảy ra đào nơi này, sụp nơi khác một phần do lỗi của giám sát. Theo quy định, nhiệm vụ của đơn vị giám sát là vừa giám sát quá trình thi công, vừa giám sát quá trình nhà thầu đưa vật tư (chất lượng vật tư phải đúng theo mẫu thí nghiệm trước khi thi công), máy móc vào xây dựng công trình. Các công đoạn đào đường, lắp đặt cống, đầm đất, lấp hố đào… đều phải diễn ra dưới sự giám sát của nhân viên tư vấn giám sát và lực lượng giám sát của chủ đầu tư. Cho nên việc nhà thầu thi công có vấn đề như vậy là do thiếu sự giám sát chu đáo.

Ông PHẠM ANH, chuyên gia giám sát công trình tại TP.HCM

THIÊN TRÚC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm