Họa sĩ 80 tuổi vẽ tranh bằng bẹ chuối khô

(PLO)- Từ chất liệu của quê hương, họa sĩ Phan Văn Đắc đã sáng tác gần 700 bức tranh bằng bẹ chuối gây ấn tượng đặc biệt cho người thưởng lãm về một dòng tranh lạ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến phường Đồng Hải, TP Đồng Hới (Quảng Bình), không khó để tìm gặp họa sĩ Phan Văn Đắc (SN 1942). Người họa sĩ 80 tuổi này đã có gần 60 năm miệt mài sáng tác tranh bằng chất liệu rất độc là bẹ chuối khô.

Bẹ chuối khô - tư liệu để họa sĩ Phan Văn Đắc tạo nên những bức tranh đầy chất lạ. Ảnh: BẢO THIÊN

Bẹ chuối khô - tư liệu để họa sĩ Phan Văn Đắc tạo nên những bức tranh đầy chất lạ.
Ảnh: BẢO THIÊN

Tác phẩm “Khát vọng xa bờ” được họa sĩ Phan Văn Đắc làm bằng bẹ chuối khô.

Tác phẩm “Khát vọng xa bờ” được họa sĩ Phan Văn Đắc làm bằng bẹ chuối khô.

Ý tưởng sau những lần hành quân

Vừa phân loại các loại bẹ chuối khô, họa sĩ già Phan Văn Đắc vừa chia sẻ về loại vật liệu mà mấy chục năm nay ông dùng để sáng tác tranh. “Bẹ chuối để vẽ tranh phải là bẹ chuối khô tự nhiên và có đủ ba lớp gồm: Lớp lụa, lớp sợi và lớp ngoài. Từ đó mới cho ra những gam màu sinh động cho từng nội dung bức tranh” - họa sĩ Đắc nói.

Hồi tưởng những ngày còn trẻ mới “vào nghề”, họa sĩ Đắc kể, năm 1965, ông lên đường nhập ngũ thuộc Binh đoàn 599, đóng quân tại khu vực Tây Trường Sơn. Giữa núi rừng, trong những chuyến hành quân, những bẹ chuối khô trải dài dọc dãy Trường Sơn đã khơi dậy niềm đam mê hội họa với người chiến sĩ trẻ.

“Thực ra bản thân cũng không được đào tạo qua trường lớp, hồi ấy cũng làm gì có bút chì hay giấy gì. Chỉ thấy dọc rừng Trường Sơn bẹ chuối khô nhiều nên tôi nảy ra ý tưởng dùng chất liệu này ghép thành tranh. Từ đó cho đến khi xuất ngũ rồi đến nay, tôi vẫn tiếp tục dùng bẹ chuối để sáng tác, một tác phẩm hoàn thành lúc đó tôi vui lắm” - vị họa sĩ già tâm sự.

Không được học chuyên sâu về hội họa nên mỗi tác phẩm của họa sĩ Đắc đều do mày mò, sáng tạo. Nhưng chính vì điều đó, mỗi tác phẩm khi hoàn thành đều mang sự mộc mạc chân chất. Nó không chỉ đơn giản là việc sắp xếp hay dán các bẹ chuối khô thủ công mà nó đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa. Đặc biệt là việc lựa chọn những gam màu để thổi hồn cho bức tranh.

“Sau khi xuất ngũ, tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về bẹ chuối khô để làm tranh. Mỗi bức tranh thường sẽ có một chủ đề khác nhau. Vì vậy tôi làm phải rất tỉ mỉ để bức tranh có hồn. Nếu không làm được điều này thì sẽ không ra một bức tranh” - họa sĩ Đắc chia sẻ.

Không được học chuyên sâu về hội họa nên mỗi tác phẩm của họa sĩ Đắc đều do mày mò, sáng tạo.

Gần 700 tác phẩm bằng bẹ chuối khô

Được biết họa sĩ Đắc thổi hồn vào các bẹ chuối khô với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, chiến tranh, phong cảnh và chân dung… Sau hơn 60 năm sáng tác từ bẹ chuối, họa sĩ Phan Văn Đắc đã tạo dựng cho mình một bộ sưu tập đồ sộ với gần 700 bức tranh nghệ thuật rất đặc biệt.

Trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Phạm Văn Đắc phải kể đến là bức tranh mang tên “Điểm chốt” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là bức tranh mô tả hình ảnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại chiến trường Quảng Trị; bức “Hương sen” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; bức “Bình yên ở biển” đang thuộc bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam; bức “Trận đánh Xuân Bồ” tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình...

Không dừng lại đó, ông còn sáng tác những tác phẩm về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các bức tranh thiên nhiên về Phong Nha - Kẻ Bàng. Một số tác phẩm của ông còn được treo trưng bày tại các khu du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Bình.

Theo họa sĩ Phan Văn Đắc, mỗi bức tranh sau khi được hoàn thiện thường có mức giá trung bình 5-20 triệu đồng. Nhiều tác phẩm của ông đã theo chân du khách tới các nước như Nga, Đức, Đài Loan...•

Nhìn tranh biết ngay của họa sĩ Đắc

Họa sĩ Đắc là một trong những người thuộc thế hệ đầu của mỹ thuật Quảng Bình. Bẹ chuối khô là một nguồn chất liệu từ thiên nhiên. Việc sử dụng bẹ chuối khô làm chất liệu sáng tác giúp tranh của họa sĩ Đắc có nét riêng trong tạo hình mà không họa sĩ nào có được.

Từ nét riêng về mặt chất liệu này, khi người ta nhìn vào bức tranh là nhận ra nó chính là của họa sĩ Đắc. Đây cũng đã là một thành công đối với người làm nghệ thuật.

Dù tuổi đã cao nhưng họa sĩ Đắc vẫn tiếp tục sáng tác và tham gia các hoạt động triển lãm của tỉnh cũng như trong khu vực. Một số tác phẩm của họa sĩ Đắc trong các triển lãm được giới chuyên gia đánh giá cao.

Họa sĩ NGUYỄN LƯƠNG SÁNG, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm