Ông sinh năm 1923, vậy là đến xuân này ông đã gần tuổi 90! Cho nên đừng ai bảo ông "nói gở" khi đọc bài thơ ông trăn trở dập xóa suốt ba tháng trời mới ưng ý, mới chép nắn nót chân phương rồi phôtô ra nhiều bản tặng bạn bè, người thân:
Ga cuối đời tôi
Rúc còi, ga cuối hẳn gần thôi!
Soát lại hành trang, nhẹ quá trời
Tranh sơn dăm bức tươi son mới
Vừa gửi trăm phương trọn với đời
Còn chăng mấy câu thơ dang dở
Nhịp vần chưa thỏa, tứ chưa khơi
Cả đời cầm cọ vì non nước
Tình riêng một mối những đầy vơi
Bài thơ này chẳng cần phải bình mà chỉ cần lý giải, vì thơ làm sao có thể trần tình mọi nhẽ! Câu đầu "Rúc còi, ga cuối hẳn gần thôi!". Ở tuổi đó, chẳng cần có còi báo mới biết ông sắp tới ga cuối của đời mình. Nhưng họa sĩ vốn người mơ mộng mà lão thực, ông chỉ tin những tín hiệu tự mình trải nghiệm. Đó là những tín hiệu gì?
Hoạ sĩ Phan Kế An (bên phải) và tác giả bài viết.
Cách đây khoảng một năm, cả nhà đã xanh mặt đưa ông vào cấp cứu vì tai biến vùng tim, phải gài hai lần đến 3 cái stent vào động mạch vành, vậy mà ông vẫn đùa tếu như bản tính của ông: "Bác sĩ bảo mình, gài xong stent, họa sĩ có thể đi đá bóng được!". Sau căn bệnh "chết người mà không chết", họa sĩ bị căn bệnh "không chết được mà đau!". Đó là dây thần kinh số 5 vùng hàm mặt bị viêm nặng đến không thể khỏi dứt được mà chỉ giảm đau phần nào, dẫn đến… tất cả mọi thứ ông ăn đều phải nhào nhuyễn, "cháo hóa", mà vẫn phải xúc từng thìa nhỏ vì há mồm cũng đau, nhai cũng đau!
Bà Khanh, tuổi Giáp Tuất, vợ ông cả ngày chỉ lo việc xay nghiền cơm và thức ăn sao cho không thiếu vitamin trong bữa ăn cảnh vẻ như chim ăn. Thế mà ông vẫn không bỏ buổi gặp mặt thường xuyên nào trong tuần. Theo ông có đến ba cuộc với các loại bạn. Với chúng tôi là câu lạc bộ bia Kama, phần lớn là bạn văn nghệ xứ Đoài. Thức nhắm của ông là đậu phụ luộc, ăn thì mấy sợi bún chan nước lẩu, đánh nhuyễn ra…
Soát lại hành trang nhẹ quá trời!
Tranh sơn dăm bức tươi son mới
Vừa gửi trăm phương trọn với đời
"Hành trang" theo nghĩa khái quát "sự nghiệp cả đời" thì ông viết vậy là quá khiêm tốn: Người họa sĩ đã có hơn nghìn tác phẩm đủ các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, màu nước, màu bột, ký họa, đồ họa… Đỉnh cao là "Nhớ một chiều Tây Bắc", tranh sơn mài, hiện lưu trữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chưa kể, ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu, sao "hành trang" lại nhẹ được! Đó là mơ ước bao người trên con đường nghệ thuật! Nhưng nặng là nặng về giá trị tinh thần thôi, còn sở hữu riêng của ông thì: "Tranh sơn dăm bức tươi son mới/ Vừa gửi trăm phương trọn với đời"… có bức nào vừa vẽ xong, ưng ý là có người đến mua, mang đi mất!
Tôi vừa theo nhà nhiếp ảnh Vân Đình Hùng đến ghi hình bức tranh "Những đồi cọ", chứng kiến sự thẫn thờ, tần ngần của người họa sĩ sắp phải dứt tình với đứa con tinh thần mình sinh ra… Dù có bản chụp lại, nhưng nó chỉ là cái bóng của đứa con ngời ngợi sự sống trên từng nét cảm xúc lúc họa sĩ đang rưng rưng…
Tôi nhớ đến đoạn tạp văn của Đình Quang viết về họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi sắp phải rời xa bức sơn mài "Vườn xuân Trung - Nam - Bắc": "Anh Nguyễn Gia Trí vẫn ngồi bần thần trên chiếc ghế mây trong nhà, mắt đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt. Hình như việc mua bán khiến anh buồn nhiều hơn vui!... Tự nhiên tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Căn phòng đã lưu dấu cả một quãng đời sáng tạo của tác giả rồi sẽ ra sao khi bức tranh không còn nữa!...". Trạng thái đó có khác gì Phan Kế An bây giờ với bức tranh bao nhiêu năm ông nghiền ngẫm thể hiện cái sắc lá cọ phản chiếu ánh nắng như muốn thu nhỏ cả vầng nhật quang trên hình lá.
Có nhà phê bình đã đánh giá cao cống hiến của Phan Kế An trong việc sáng tạo gam màu, trong việc tìm ra được màu xám xanh và màu xanh chàm nổi tiếng trong sơn mài, điều mà những người đi trước ông đã tìm mà chưa thấy! Nếu bức tranh này ông nghiền ngẫm bố cục hình họa khoảng một hai năm thì biết cộng thêm vào đấy bao nhiêu thời gian cho những tìm tòi kỹ năng kỹ xảo, những kiến thức kinh nghiệm tích lũy từ thuở mới cầm bút vẽ?…
Vì buồn mà tìm đến với nàng thơ, nhờ nàng thơ nói hộ niềm tâm sự, khốn thay, ở thơ, ông có chuyên sâu, sành sỏi như hội họa đâu. Nên những lời bộc lộ dường như còn ấp úng ở đầu ngọn bút, "nhịp vần chưa thỏa, tứ chưa khơi".
Phải nói cho công bằng: Bán được tranh cũng là niềm vui không nhỏ của họa sĩ, điều đó chứng tỏ tác dụng của bức tranh với xã hội, có người thừa nhận giá trị của nó đến mức phải bỏ số tiền không nhỏ ra mua. Họa sĩ có một món để trang trải việc gia đình. Nhưng ở niềm vui này, họa sĩ Phan Kế An cũng không được hưởng như người khác.
Đúng lúc ông lấy bức tranh bày triển lãm về, thì bà vợ lên cơn đau cấp tính, phải đưa vào bệnh viện. Không may, khi chẩn đoán, bà lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
Mấy bức trước, họa sĩ Phan Kế An hay than phiền với tôi: "Toàn là vẽ để… trả nợ, họ đặt hàng với tôi, tôi nhận tiền đặt, được cái may là họ không thúc ép về thời gian, nhưng khi vẽ xong là họ biết liền, họ tới mang tranh đi!".
Bức "Những đồi cọ" này ông đang vẽ đã có người săn đón. "Mình chả dại nhận tiền trước, mất cái vui an ủi cho cái buồn khi phải trao tranh!" - Ông nói.
Nhưng lần này thì… lấy đâu ra tiền nộp viện phí cho vợ?
Người mua tranh cũng là trang hào hiệp, trước tình cảnh của họa sĩ, ông ta liền thôi đắn đo mà chấp nhận ngay giá tranh, bởi giá tranh lúc này cũng chỉ vừa với khoản tiền đầu tiên mà họa sĩ phải nộp bệnh viện.
Phan Kế An cười buồn, nói với tôi: "Phải thế mới là… đời, ông ạ! Mà cũng lạ! Tiền thì không tích lũy được, nhưng hễ có vận hạn là có người đến hỏi mua tranh hoặc đặt vẽ mà không đòi lấy sớm. Cho nên, với mình: không nợ tiền ai bao giờ mà chỉ nợ… tranh! Tôi viết "Vừa gửi trăm phương, trọn với đời!" chưa ổn, chưa biết viết thế nào rõ được ý ấy! Đi vào nghề của các cậu cũng gay ra phết!".
Ôi! Một họa sĩ ngót nghét tuổi 90 phải bán tranh như bán máu của mình để kéo dài sự sống cho người vợ dường như sinh ra chỉ để chăm sóc một tài năng của đất nước! "Cả đời cầm cọ vì non nước! Tình riêng một mối những đầy vơi!".
Chúc cho ông bà tựa vững vào nhau mà bước qua giai đoạn thử thách cam go này!
Theo Vân Long (Văn nghệ Công an)