Nói đó là một chiến thắng thuyết phục của đội chủ sân Thống Nhất cũng đúng mà nói HA Gia Lai thua toàn diện trước thầy trò ông Miura cũng không sai.
Trận đấu trên còn được nhiều người chú ý bởi đó là cuộc đấu trí giữa hai nhà cầm quân người Nhật (HLV Miura) và Hàn Quốc (Giám đốc kỹ thuật HA Gia Lai Chung Hae-seong). Phía HA Gia Lai dù đăng ký HLV trưởng là ông Dương Minh Ninh nhưng ai cũng biết người dẫn dắt chính và tác động đến lối chơi là ông Chung Hae-seong. Bằng chứng là trên sân Thống Nhất, ông liên tục cầm sa bàn và chỉ đạo sát sao các cầu thủ của mình. Thậm chí cảm xúc của ông còn cao hơn cả các HLV Việt Nam khi vò đầu bứt tóc trước những tình huống mà đội chủ nhà TP.HCM ghi bàn san bằng rồi vượt lên.
Có ý kiến cho rằng “sức nhàn đánh sức mỏi” vì HA Gia Lai có những cầu thủ từ Asiad 18 về thua thiệt và không là chính mình. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì vấn đề không nằm ở đó khi nhìn sang phía đội Hà Nội cũng có nửa đội hình là trụ cột đội Olympic Việt Nam và có cả những cầu thủ chấn thương do “cày” ở Asiad mà đâu có đánh mất mình.
Thủ môn Rmah Sươ liên tục bị Phi Sơn, Kesley khai thác bằng những cú sút xa và bổng trong khi ở trên ngoại binh Osman rất “củi”. Ảnh: XUÂN HUY
HA Gia Lai có lỗ hổng rất lớn từ khâu ngoại binh. Hàng phòng ngự đội bóng phố núi kể từ khi lứa học viện khóa đầu thi đấu V-League đến bây giờ chưa bao giờ được xem là có hàng phòng ngự tốt. Trong khi đó, trung phong ngoại binh Osman vẫn rất “củi”, không hỗ trợ được nhiều và cũng chẳng phải là đầu tàu.
Khi những đôi chân nội như Công Phượng, Văn Toàn hay Văn Thanh quá tải, gặp khó khăn thì các chân sút ngoại (hoặc nhập tịch) được kỳ vọng nhưng đằng này HA Gia Lai không có được điều đấy.
Hãy nhìn lại vòng 21, khi mà những trụ cột của Hà Nội như Văn Quyết, Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy không thể làm tốt ở khâu tìm bàn thắng thì lập tức Hoàng Vũ Samson… xuất hiện và anh đã thực hiện cú đúp vào lưới SL Nghệ An, giúp đội này vô địch sớm năm vòng đấu.
Giám đốc kỹ thuật Chung Hae-seong được ví là một “thầy pháp” giỏi, định lượng trận đấu khi bóng lăn rất nhanh và đưa ra đấu pháp rất kịp thời (ông cùng HLV Park Hang-seo là trợ lý HLV Hiddink tại World Cup 2002) nhưng rõ ràng ông không có nhiều lựa chọn, đặc biệt là đối với cầu thủ ngoại. Điều mà sau thời Kiatisak (Thái Lan) hay Evaldo (Brazil), HA Gia Lai đá V-League toàn chấp cầu thủ ngoại.
Ngoài ra còn là vị trí thủ môn mà HA Gia Lai rất yếu. Trận gặp chủ nhà TP.HCM, HLV Miura và các học trò đã phát hiện ra rất nhanh và xoáy vào khai thác vị trí thủ môn Rmah Sươ của HA Gia Lai. Thủ môn này từng khoác áo U-21 HA Gia Lai vô địch năm ngoái dưới thời HLV Đinh Hồng Vinh nhưng để bước vào sân chơi V-League với thể hình khiêm tốn của Rmah Sươ thì không khác khoác vào chiếc áo quá rộng. Khi phát hiện điều đấy, các chân sút của TP.HCM như Phi Sơn, Huỳnh Kesley đã thay phiên nhau dứt điểm từ xa và canh vào góc cao…
“Thầy pháp” Chung Hae-seong chắc chắn không khó để nhìn ra vấn đề nhưng để có người thay thế thì ông bất lực.
Đó cũng là sự khác biệt lớn của HA Gia Lai với các đội còn lại của V-League. Hai điểm yếu chết người đấy thì vị trí thủ môn lò Arsenal JMG ngày nào không đào tạo, còn cầu thủ ngoại thì rất xa tầm với những người có chuyên môn như ông giám đốc kỹ thuật.