Sinh viên khoa Truyền thông đa phương tiện năm 2 Đại học (ĐH) Hutech vừa có buổi trình bày góc nhìn của mình về nhiều vấn đề xã hội với ThS Tô Nhi A, giảng viên môn Tư duy sáng tạo và quản lý thời gian. “Học ĐH để làm gì” là một trong các chủ đề thú vị.
Học đại học vì không biết làm gì khác (!)
Khi giảng viên hỏi sinh viên (SV): “Có em nào đến giờ vẫn không biết mình học ĐH để làm gì không?”, hơn một nửa lớp đã giơ tay trả lời “Có!”. Trả lời câu hỏi: “Bạn đang học ĐH như thế nào?”, một nam SV bày tỏ: “Tôi thật sự không biết tôi học ĐH để làm gì. Tôi cũng không chắc mình đã học đủ nghiêm túc”. Rất nhiều SV khác trả lời rằng họ chưa có định hướng chính xác nhưng họ tin là họ có thể tích lũy một số kỹ năng nghề để kiếm việc sau này.
ĐAT, SV năm 2 khoa Quản trị kinh doanh, cho biết đến nay vẫn loay hoay với câu hỏi học ĐH để làm gì. T. chia sẻ: “Ba bảo tôi vô đây học. Nhưng tôi không có khát khao với con đường ba đã chọn cho mình mà tôi muốn trở thành đầu bếp. Ngặt nỗi tôi không dám theo đuổi vì sợ mình không đủ quyết tâm”.
Còn lý do để LT, SV năm 2 khoa Quản trị kinh doanh, chọn học ĐH là: “Mẹ tôi muốn tôi học trường này cho… gần nhà”. LT cho biết cha mẹ cũng sẽ không cho phép cô ở nhà khi bạn bè đều học ĐH. Cô từng ước mơ trở thành nữ tiếp viên hàng không nhưng rồi cô không dám theo đuổi vì không có ai ủng hộ mình. Sau một thời gian học tại trường, cô đã tìm thấy mục tiêu trong tương lai là kinh doanh quần áo. Được hỏi “Kinh doanh quần áo có cần thiết phải học ĐH không?”, T. trả lời: “Thực ra học bốn năm cũng dài và hơi phí nhưng tôi không dám rẽ đường khác. Tôi tin là môi trường ĐH cũng sẽ cung cấp cho tôi vài điều bổ ích”.
Rất nhiều cánh tay giơ lên khi giảng viên hỏi “Có ai trong số các em không biết học đại học để làm gì?”. Ảnh: HỒNG MINH
Thi đại học vì… tới tuổi thì thi
Cô giáo Nguyễn Thanh Vân (công tác tại tỉnh Khánh Hòa) kể có nhiều học sinh (HS) đã tâm sự với cô rằng các em làm hồ sơ thi ĐH vì... tới tuổi phải học ĐH. Cô nói: “Hầu hết lựa chọn của các em là do phụ huynh. Các em phải sống tiếp dự định của mẹ cha. Trong khi đó, cha mẹ lại thiếu tư vấn định hướng và không thấu hiểu các em nên các em như gà công nghiệp. Tôi rất lo lắng khi HS của mình đã 18 tuổi mà thiếu hẳn sự quyết đoán, trưởng thành”.
Cô đã trò chuyện với nhiều HS để giúp các em hướng nghiệp khi chọn trường, chọn ngành. Theo cô Vân, nhà trường hiện nay không giúp các em có kỹ năng định vị bản thân và tự quyết định một cách bài bản. Các hoạt động hướng nghiệp được tổ chức chủ yếu là để… quảng cáo cho các trường ĐH-CĐ.
Đừng lãng phí thời gian
“Hãy xác định mình muốn làm gì trước khi chọn học ĐH” - anh Anh Tuấn (quê Tây Ninh, cựu SV ĐH Hàng hải) bày tỏ. Hiện nay anh đã trở về quê mở tiệm sửa xe, dán tem xe và điện thoại, thu nhập khá ổn định. Anh nói: “Ngày xưa tôi học ĐH không phải vì đam mê, cũng không nhớ vì sao tôi chọn ngành hàng hải. Ra trường, đi làm việc lương chỉ có 4 triệu đồng, phải xin thêm tiền mẹ. Chán quá, tôi nghỉ làm. Khi tôi mở tiệm dán tem xe, ba mẹ tôi thất vọng vì tôi không có vị trí xã hội như người ta. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rất rõ ràng là tôi thích công việc này, uổng phí biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian học ĐH”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Trường THPT Đoàn Kết, Đồng Nai) cho biết với lợi thế là giáo viên dạy văn, gần gũi trò chuyện với HS nên cô luôn cố gắng giúp các em chọn con đường trước khi chọn trường. Cô cho biết: “Một HS của tôi đã dám cãi cha mẹ, không học ĐH mà đi học trung cấp thú y rồi về chăn gà. Em khởi nghiệp với 200 con gà thôi, nay đã thành trang trại lớn hơn 10.000 con, thu nhập rất tốt. Tôi thường kể với HS câu chuyện này để các em rút kinh nghiệm, không lãng phí thời gian học ĐH khi chưa biết mình sẽ làm gì”.
Đại học chỉ là một trong những con đường ĐH là nơi đào tạo ra những chuyên ngành chuyên biệt phục vụ những công việc khác nhau theo nhu cầu của xã hội. ĐH chỉ là một con đường. Đã là con đường thì không có con đường nào là duy nhất, cũng không có con đường nào dễ nhất hay sang chảnh nhất. Các bạn phải xem lại mình có phương tiện gì, đi thế nào, rồi sẽ chọn đường đi phù hợp. Giảng viên-ThS TÔ NHI A |