Ngày 4-12, tại Đồng Tháp, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Tấm gương yêu nước, thương dân”. Hội thảo do Tiến sĩ Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đồng chủ trì.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên cả nước. Hội thảo không chỉ là dịp để tri ân, mà còn nhằm làm sâu sắc hơn những giá trị lịch sử, nhân văn từ cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo khoa học diễn ra dịp kỷ niệm 95 năm Ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là hoạt động thiết thực nhằm tri ân và hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời cũng như những đóng góp to lớn của cụ đối với phong trào yêu nước nói chung và tại Đồng Tháp nói riêng.
Sự kiện không chỉ ghi nhận vai trò lịch sử của cụ Nguyễn Sinh Sắc mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu, học giả, và lãnh đạo các cấp cùng thảo luận, đánh giá, và lan tỏa những giá trị cao quý từ tư tưởng và hành động của cụ. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hội thảo tập trung thảo luận ba nhóm chủ đề chính: Cụ Nguyễn Sinh Sắc – Tấm gương yêu nước, thương dân; ảnh hưởng của cụ đến nhân cách và chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của cụ đối với vùng đất và con người Đồng Tháp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh, Đồng Tháp từ một địa phương ít được biết đến, nay đã trở thành một vùng đất nổi bật với nhiều đặc trưng độc đáo như biểu tượng sen, sếu đầu đỏ, các hội quán, làng thông minh, và những lễ hội nông sản. Đây là kết quả của việc kế thừa và phát huy tư tưởng, đạo đức của cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm khẳng định cụ Nguyễn Sinh Sắc là tấm gương tiêu biểu của một sĩ phu yêu nước, thương dân, trọn đời gắn bó với vận mệnh dân tộc. Cụ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Đình Đôn – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định, trình bày tham luận nhấn mạnh sự liêm khiết, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc trong vai trò Tri huyện. Cụ không chỉ lo "việc dân" mà còn tham gia truyền bá tinh thần yêu nước, từ đó góp phần gieo mầm cách mạng qua nhiều thế hệ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhấn mạnh việc học tập nhân cách của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng Tháp đã không ngừng phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng văn hóa địa phương.
Tiến sĩ Đinh Thị Mai bày tỏ mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn về cuộc đời và tư tưởng tiến bộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc, từ đó lan tỏa những giá trị cao quý này đến mọi tầng lớp nhân dân.
Bà đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc, biến nơi đây thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng và thu hút khách tham quan.
Hội thảo khép lại với những định hướng sâu sắc về việc phát huy tinh thần yêu nước, thương dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay