Mấy ai nhìn thấy hoa khi mà cây cau vốn cao vút sau mười mấy năm cắm xuống đất, cau lớn cao chót vót giờ nào không hay, thân thẳng thừng, ốm đói, đi ngang qua thân cây cau chẳng để nghĩ suy gì đến nó. Bởi cây cau ốm nhách, mốc thách như không hiện hữu bên những xum xuê hoa lá của các giống nòi khác.
Rứa mà cây cau âm thầm lớn, vút thẳng, có ốm yếu quặt quẹo rồi cũng đua nhau cao, lên khỏi mấy ngọn cây xoài cây ổi cây bơ cùng trồng một lứa, vút thẳng vụt qua đầu, rồi chót vót trên kia.
Bốn mùa hoa nở, hoa tàn, đậu trái, lâu lâu rớt một tàu cau to, cái soạt; vậy chứ chưa khi nào cái tàu cau rớt trúng đầu ai, có hôm tôi vừa đi qua đó tích tắc tàu cau rớt lại sau lưng!
Tàu cau dẻo dai, sạch bong ngay từ khi rớt xuống, thằng cháu nội một tuổi đã được kéo tàu cau vườn nhà đi quanh gốc tre, mắt cười hớn hở, thích lắm.
Thằng cháu nội 1 tuổi được bỏ trên tàu cau kéo đi, cười thích thú.
Rồi tôi cắt tàu cau vài đường kéo đã thành cái quạt dẻo dai, trắng bong, cái dáng khum khum sẵn có đã tạo ngọn gió mát ngọt khi vừa phẩy nhẹ bàn tay.
Hoa cau mấy khi thấy, chỉ nghe mùi thơm suốt mỗi sáng, không lẫn vào đâu được cái hương cau, mặc cho vườn nhà quá nhiều loại hoa tỏa mùi. Chỉ hương cau biết buông mùi lúc sáng sớm, từ trên cao, phát hương cả khu vườn, không nồng nàn mà lẫn quẫn khoan nhặt, nhẹ nhàng, đang đi chợt thoảng chút ngang qua người, nhẹ hẫng, chỉ có thể là hương cau.
Ngày lập vườn anh nói ước mơ có cái nhà với hàng cau thẳng tắp trước ngõ ngoài sân vào đến nhà, như một mơ ước tuổi thơ bị đánh cắp nhanh nhất bởi chiến tranh, bởi mất mát và tha hương.
Rồi chúng tôi trồng hàng cau quanh quanh từ ngoài ngõ vào sân, đất xấu hay cau chậm lớn, chỉ thấy nó còi cọc với vài lá ốm yếu, rồi quên nó trong năm năm tháng tháng.
Và một ngày cau cũng được bán mua, người mua cau vào vườn nhắc cho mình nhớ là vườn còn có hàng cau, có năm, cau được giá, trái chưa lớn mà người mua cau dạo quanh hỏi suốt ngày, mắt cứ ngó miết trên đầu cây cau, trái cau như mắc cỡ ngày ngày không lớn nỗi.
Năm thất bát mùa cau không thấy người dạo mua thì cau lớn tròn xoe, vàng xuộm, rồi rụng cũng chẳng ai mua. Có năm tôi thương, hái thử một buồng đem ra chợ hỏi bán, bà già trầu cau thương tình đưa hai mươi ngàn đồng một buồng cau!
Cau ở đây chỉ còn để cúng ông bà đâu còn ai ăn trầu cau nữa. Những đôi môi thắm đỏ vì nước trầu và hàm răng đen nhưng nhức chỉ còn trong ký ức. Ông bình vôi luôn đồng hành của bà ngoại tôi nay còn ai có.
Hôm gặp chú ngựa trời trên nhánh hoàng liên tôi chợt nhớ cục vôi đã giao cho nó cõng từ bình vôi của ngoại ngày xưa, nó đem cục vôi của ngoại đi đâu bây giờ chỉ còn mình nó chơ vơ. Cái bình vôi hồng hồng với mùi vôi thơm chát chát, cái mùi quyện thành mùi của ngoại mà lâu lâu thảng chợt bắt gặp với bà già bán trầu cau nhún nhường ngồi góc chợ.
Hàng cau không nhớ đà vội lớn, không tưới tắm mà thả trồng đều đều những buồng quả và rồi hương thơm luôn chung thủy quanh vườn từ sáng sớm, hương cau đến lạ, như có mà như không, chợt ào qua tôi lúc đang lom khom ngắm những loài hoa khác, vậy đó, hương cau lặng thầm.