Người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, Ali Akbar Salehi, tiết lộ cho PV BBC rằng các máy ly tâm hiện đại này sẽ được phát triển ở cơ sở Natanz và Iran đã thông báo cho cơ quan năng lượng nguyên tử Liên Hiệp Quốc về động thái này.
Ông Salehi cũng cho biết việc rút ngắn thời gian làm giàu uranium 6-7 năm xuống đơn vị tháng là chỉ thị từ nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei nếu thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với các nước bị đổ vỡ. Hiện tại Iran vẫn tuân thủ đúng cam kết của mình vì thỏa thuận cho phép xây dựng các lò ly tâm nhưng không sử dụng trong 10 năm đầu. Các máy ly tâm mới sẽ giúp Iran sản xuất được thêm nhiều uranium hexaflorua (SF6), một nguyên liệu chủ chốt trong quá trình làm giàu uranium.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận trên vì cho rằng những quy định này chưa đủ sức kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, gây không ít bất ngờ cho các nước châu Âu trong thỏa thuận. Trong khi đó, Iran không ngừng khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn vì mục đích hòa bình và vẫn đang chấp hành nghiêm quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo Bộ Tài nguyên quốc gia Mỹ, khi thỏa thuận chính thức hết hiệu lực, đầu tiên là vào ngày 6-8 tới, Iran sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế như cũ. Có thể kể đến như hạn chế ngoại hối với đồng USD, buôn bán vàng, hoạt động hàng không, vận tải và nhất là lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ. Chính vì vậy động thái này của Tehran như đang muốn thông báo rằng Iran sẽ sẵn sàng các phương án dự phòng nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ.