Ngày 29-6 (giờ địa phương), chính quyền Iraq tuyên bố đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ nước này. Ngày thành trì cuối cùng của IS tại Iraq là Mosul được giải phóng đã nằm trong tầm tay của lực lượng chống khủng bố.
Ngày tàn cận kề
Lực lượng liên quân chống khủng bố ngày 29-6 đã giành được quyền kiểm soát khu vực Thánh đường lớn al-Nuri tại TP Mosul, nơi ba năm trước thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đưa ra tuyên bố thiết lập “đế chế Hồi giáo” do mình đứng đầu tại Iraq và Syria. Tuần qua, tình báo Iraq cũng khẳng định chính các phần tử IS đã ra tay phá hủy điện thờ 850 năm tuổi này như một “tuyên bố thất bại chính thức” của tổ chức.
“Việc tái chiếm Thánh đường al-Nuri và tháp al-Hadba đã đánh dấu sự chấm hết của nhà nước giả dối IS” - Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố. Sau hơn tám tháng giao tranh giành từng khu phố tại Mosul, quân đội Iraq cùng các đồng minh chỉ còn cách mục tiêu giải phóng thành phố một vài khu nhà bị IS kiểm soát, theo Al Jazeera. “Chúng ta sẽ chiến đấu không mỏi mệt. Các chiến binh dũng cảm của chúng ta sẽ giành được thắng lợi” - ông Abadi khẳng định.
Giới chức Iraq hy vọng chiến sự ở Mosul sẽ kết thúc trong vài ngày tới. Phía bên kia biên giới Iraq, nhóm Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) cũng tuyên bố “đã bao vây toàn bộ các phần tử IS bên trong TP Raqqa”. Lực lượng này khẳng định đã chiếm giữ và phong tỏa thành công tất cả tuyến đường huyết mạch vào và ra khỏi Raqqa, hãng tin AP cho biết. Các nguồn tình ước tính còn khoảng 2.500 tay súng đang cố thủ bên trong Raqqa - thành trì lớn cuối cùng của nhóm khủng bố. Các tổ chức giám sát tại Syria nhận định: “Các phần tử IS chỉ còn cách lựa chọn đầu hàng hoặc chiến đấu đến chết”.
Sau gần tám tháng giao tranh ác liệt, chiến dịch tái chiếm TP Mosul của lực lượng chống khủng bố đã cận kề thắng lợi. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, thất bại nặng nề thời gian gần đây khiến lãnh thổ mà IS chiếm đóng đã giảm 60% so với cách đây hai năm. Mức thu nhập trung bình hằng tháng của IS cũng đã giảm tới 80%, giảm từ 81 triệu USD trong quý II-2015 xuống chỉ còn 16 triệu USD, báo cáo từ công ty giám sát dữ liệu toàn cầu IHS Markit cho biết. Còn theo Viện nghiên cứu ICSR tại London, thu nhập của IS đã giảm hơn một nửa, từ 1,9 tỉ USD vào năm 2014 xuống còn 870 triệu USD trong năm 2016.
Lo ngại cứ địa mới
IS đang bị đẩy lùi tại Trung Đông. Thế nhưng nhiều chuyên gia lo ngại tình cảnh cùng đường trên “sân nhà” sẽ đẩy nhóm khủng bố này chuyển hướng sang một mặt trận mới: Châu Á-Thái Bình Dương.
Các thông điệp cảnh báo IS đang đe dọa an ninh khu vực đã được đưa ra ngày một nhiều trong thời gian qua. Gần đây nhất, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), nhận định sự hiện diện của IS tại miền Nam Philippines chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho toàn khu vực. Tình hình chiến sự tại TP Marawi, thuộc đảo Mindanao miền Nam Philippines, đã khiến hơn 250.000 người phải sơ tán, hơn 90 quân nhân cùng dân thường thiệt mạng và hơn 290 tay súng cực đoan bị tiêu diệt.
“Marawi là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta phải chặn đứng IS từ đầu chứ không phải chạy theo đuôi tổ chức này, tránh các mối đe dọa thậm chí còn nguy hiểm hơn trước kia” - đô đốc Mỹ đưa ra cảnh báo trong bài phát biểu tại Brisbane ngày 26-6. Ông Harry Harris bày tỏ mối lo ngại các chiến binh thánh chiến Đông Nam Á trở về từ Iraq và Syria sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng khủng bố, nguồn lực và các chiến thuật “trui rèn” suốt gần ba năm qua cho các lực lượng cực đoan quê nhà. Ông cũng cảnh báo dù IS đang bị đẩy lùi ở Trung Đông, các chân rết của nhóm này vẫn luôn sẵn sàng độc lập tác chiến. Đã có những thông tin cho rằng Maute cùng các nhóm khủng bố đồng minh tìm cách tuyên truyền tư tưởng cực đoan cho người dân tại Marawi, theo Fox News.
Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi vấn đề Hồi giáo cực đoan tại Philippines vẫn vô cùng nan giải, biến nơi đây thành vùng đất “màu mỡ” để các nhóm chân rết IS phát triển. Bằng chứng là không chỉ có các nhóm khủng bố địa phương như Abu Sayyaf và Maute mà cả các phần tử thánh chiến từ Indonesia và Malaysia cũng đổ về đảo Mindanao để hoạt động. Ông Joseph Chinyong Liow, chuyên gia về chính trị quốc tế tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), ngày 30-6 cảnh báo chủ nghĩa ly khai dai dẳng suốt nhiều thập niên qua tại miền Nam Philippines sẽ càng tiếp thêm sức mạnh để IS cắm rễ. Đã gần hai tháng trôi qua và dù có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, chính phủ Manila vẫn chưa thể tuyên bố tái chiếm thành công Marawi trước sự chống cự ngoan cố của các phần tử khủng bố.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo Philippines chính là mắt xích rủi ro hàng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực. Các bất ổn, nghèo đói và sự thiếu hụt về tiềm lực quân sự biến Philippines trở thành mục tiêu lý tưởng để các phần tử thân IS gầy dựng một “tỉnh” mới tại Đông Nam Á, ông Liow cảnh báo.
Ngày 30-6, ông Ernesto Abella, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đã phản bác các chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đã khiến chính phủ lơ là hoạt động chống khủng bố. Tại buổi họp báo ở TP Davao, ông Abella cho biết tổng thống đã nhận ra mối đe dọa khủng bố chỉ một tháng sau khi nhậm chức, đã yêu cầu quân đội chuẩn bị tinh thần đối phó với IS. ____________________________ Tại TP Marawi, các phần tử khủng bố đang sử dụng các chiến thuật mà chúng tôi đã từng thấy tại Trung Đông. Đây là lần đầu tiên các lực lượng thân IS cùng hợp sức mở một chiến dịch quy mô lớn. HARRY HARRIS, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ |