Hãng tin CNN (Mỹ) ngày 26-10 cho biết hiện IS đang gửi nhiều đội đánh bom tự sát từ căn cứ Raqqa ở Syria qua Mosul để đối phó liên quân Iraq. CNN dẫn lời một số nhân chứng cho biết họ thấy có hàng trăm phần tử IS đổ về Mosul trong hai ngày qua.
Theo các nhân chứng, những phần tử này là các tay súng nước ngoài, mặc trang phục khá khác biệt so với trang phục thông thường của IS, mang đai bom tự sát và cả vũ khí hạng nhẹ. IS cũng đã chuẩn bị nhiều xe chở bom.
Một phần tử IS bị lực lượng chống khủng bố Iraq bắt trói ở ngoại ô Tob Zawa cách Mosul 9 km ngày 25-10. Ảnh: CNN
Trong khi đó, tin từ hãng Reuters cho biết ngày 26-10, đà tiến của lực lượng liên quân Iraq vào Mosul, TP cuối cùng nằm trong sự kiểm soát của IS, bị gặp sự phản kháng dữ dội của IS và bị chặn lại ở hướng phía nam TP. Quân Iraq phải tạm dừng đà tiến.
Hai hướng phía nam và phía đông do quân đội Iraq đảm nhiệm. Lực lượng tay súng người Kurd đảm nhiệm hướng phía tây và phía bắc. Lực lượng Mỹ chỉ giữ vai trò cố vấn, không kích hỗ trợ, không tham chiến ở tuyến đầu.
Đà tiến của nhánh quân phía nam chậm nhất so với các hướng, hiện đang ở cách Mosul khoảng 30 km.
Các nhánh quân các hướng khác đã tiến sát Mosul. Nhánh quân phía đông tiến nhanh nhất, hiện đang hãm đà tiến chờ các nhánh khác thu hẹp khoảng cách với Mosul.
“Liên quân Iraq ngày càng tiến gần Mosul thì IS càng chống cự mạnh hơn” - Reuters dẫn lời Thiếu tá Chris Parker, người phát ngôn liên quân tại căn cứ không quân Qayyara phía nam Mosul - đầu não của chiến dịch tái chiếm Mosul.
Lính đặc nhiệm Iraq vẫy tay với cảnh sát Iraq đang trên đường tiến về Mosul ngày 26-10. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 26-10, Bộ Quốc phòng Iraq tuyên bố liên quân Iraq sẽ vào Mosul và chính thức giao tranh với IS chỉ trong ít ngày tới.
Theo số liệu LHQ, đã có 10.600 dân thường sơ tán khỏi Mosul trong gần 10 ngày chính phủ Iraq bắt đầu chiến dịch. Hiện còn khoảng 1,5 triệu người trong TP. Dự kiến lượng người sơ tán sẽ tăng cao trong vài ngày tới, khi cuộc chiến vào giai đoạn khốc liệt.
Cuộc giao tranh sắp tới sẽ là cuộc chiến lớn nhất Iraq kể từ sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. Viễn cảnh tồi tệ nhất, LHQ lo ngại IS có thể sẽ dùng tới vũ khí hóa học để đối phó liên quân Iraq và dân thường sẽ gánh hậu quả.
Liên minh chống IS gồm 13 nước đã vạch kế hoạch tái chiếm Raqqa - căn cứ chính của IS tại Syria, song song với chiến dịch tái chiếm Mosul.