Ông Miura nói nào là cầu thủ Việt Nam không có ý thức phòng ngự, khi mất bóng là hàng tiền vệ đứng chơi luôn; bóng đá Việt Nam cũng hoàn toàn không có thói quen nghiên cứu đối thủ trước khi thi đấu; tinh thần thi đấu, ý thức phòng ngự, tranh cướp bóng của cầu thủ Việt Nam kém… Và tất cả điều đó tất nhiên dẫn đến một thực tế của bóng đá Việt Nam hiện nay là không tiến bộ được. Việc hai CLB của Việt Nam dự AFC Champions League 2015 cũng được mang ra so sánh với đội Buriram Utd của Thái Lan. HLV Miura cho rằng giải Champions League 2015, Buriram gặp những đại diện Nhật Bản và Hàn Quốc mạnh hơn rất nhiều so với B. Bình Dương. Và dù Buriram cũng bị loại ngay sau vòng bảng nhưng họ có đến 10 điểm, trong khi CLB B. Bình Dương của Việt Nam chia tay giải sau vòng bảng chỉ có 4 điểm. Các CLB Việt Nam cứ xáp vô là đá, không có bộ phận thu thập thông tin, hình ảnh đối thủ và điều này khiến ông rất ngạc nhiên.
Việc hai CLB mạnh nhất của Việt Nam là B. Bình Dương và Hà Nội T&T nhưng ở đấu trường Champions League thì họ rất yếu. Ngay cả CLB mạnh thứ hai của bóng đá Việt Nam là Hà Nội T&T nhưng khi gặp đại diện của Hàn Quốc ở trận play off thì lại thua đến 0-7. Các đội Việt Nam không chịu đá, không có tinh thần đấu ở những giải chất lượng này thì không thể tiến bộ nổi.
HLV Miura trả lời phỏng vấn đã chê các cầu thủ Việt Nam từ phần nền tảng đến tinh thần. Ảnh: XUÂN HUY
Qua cách tìm hiểu các đại diện của Thái Lan và Việt Nam tại Champions League 2015 thì cho thấy HLV Miura có sự so sánh, tìm hiểu kỹ để tìm ra câu trả lời vì sao đội tuyển Thái Lan đá hay hơn tuyển Việt Nam.
Sau 1,5 năm nắm các đội tuyển Việt Nam cùng việc theo dõi nhiều trận đấu V-League, HLV Miura đã đưa ra một kết luận và những nhận xét về bóng đá Việt Nam là hoàn toàn chuẩn xác và đúng căn bệnh của bóng đá Việt Nam. Nhưng để thay đổi cái nhìn của các nhà làm bóng đá, thậm chí là suy nghĩ mang tính thay đổi của nhiều người hâm mộ không phải là dễ dàng, thậm chí còn bị chỉ trích.
Việc cầu thủ Việt Nam lẽ ra phải được gieo nền tảng thể lực từ thời mới vào bóng đá và ở cấp CLB nhưng điều này hầu như không có. Chính vì thế cứ mỗi khi tuyển tập trung thì HLV phải nhồi thể lực và nhiều cầu thủ rơi rụng, thế là HLV Miura bị chỉ trích. Chỉ trong khu vực không thôi bóng đá Việt Nam đã thuộc dạng yếu về thể lực, huống gì nói đến châu lục.
Tham dự các giải quốc tế cấp châu lục, chẳng hạn vòng chung kết U-23 châu Á, vòng loại World Cup, tất nhiên dù lối chơi thế nào thì cầu thủ cũng phải đủ sức mạnh và độ bền hơn 90 phút hoặc 120 phút. Chẳng hạn vòng chung kết U-23 châu Á tới đây, Việt Nam cùng bảng với những đối thủ cao to như Úc, Jordan, UAE thì dù lối chơi gì cũng phải đảm bảo sức mạnh và sức bền tốt.
Những điều HLV Miura nói là thực trạng đúng căn bệnh của bóng đá Việt Nam. Nó có phần ngược với nhiều HLV trước đây, cứ bảo cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật rất tốt, rất giàu tiềm năng. Điều này cũng không sai nhưng bóng đá hiện đại thì tố chất bẩm sinh ấy không rèn giũa nghiệt ngã thì cũng chẳng giải quyết được gì.
Thiết nghĩ cũng nên nghe và nhìn vào những gì ông Miura nói để điều chỉnh mình…
Ông Miura không sòng phẳng Nói ông không sòng phẳng vì chưa bao giờ ông đề cập vấn đề này với những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam hay là ít ra cũng than phiền với các trợ lý, với những người gần gũi ông trong việc xây dựng lối đá cho các đội tuyển Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông chỉ ra những thói xấu của cầu thủ Việt và cả người Việt cho dù phần lớn ông nói không sai. Chẳng hạn, lần trước ông phê phán thói sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về hoặc thói quen uống bia buổi trưa trước giờ làm chiều của nhiều người lẫn thói quen xấu của cầu thủ Việt Nam. Tất nhiên nếu đó là lời góp ý sòng phẳng thì sẽ tốt hơn rất nhiều với việc nói đúng nhưng nói cho truyền thông Nhật thì lại khiến nhiều người dị ứng, cho rằng ông làm cho bóng đá Việt nhưng hay thích nói những thói hư, tật xấu của người Việt. Đã bao giờ ông đặt những vấn đề xấu của cầu thủ Việt với những người có trách nhiệm rồi cùng nhau ngồi lại tìm hướng khắc phục và giải quyết? Đã bao giờ ông góp ý với các CLB về sự buông thả hay tìm ra nguyên nhân rồi góp ý với VFF để bóng đá Việt Nam khắc phục? Qua sự việc trên, cá nhân tôi tin chắc dù sắp tới ông có đưa bóng đá Việt Nam thành công ở vài trận hay vài giải cũng sẽ rất khó để ông được tái ký hợp đồng. NG.HUY |