Hơn 50 em tham gia tọa đàm đều muốn nói. Rất ngắn gọn và rõ ràng, mỗi em phát biểu chưa đầy hai phút nhưng lại đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ ngập nước, giao thông, môi trường... đến bạn bè xung quanh mình.
Cũng tâm tư như người lớn
Rõ ràng trẻ em không hề thờ ơ với cuộc sống và cũng nhiều tâm tư tình cảm không kém gì người lớn. Tuy nhiên, dù cả Công ước quốc tế về quyền của trẻ em và Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (2004) đều đề cao quyền được lắng nghe nhưng người lớn lại chưa nghe các em nhiều.
Nói như em Phạm Thị Trâm Anh (lớp 8/11 Trường Nguyễn Gia Thiều), “nhiều trường có để hộp thư góp ý nhưng chỉ để cho có vì các thầy cô không trả lời câu hỏi của tụi em hoặc lờ luôn. Những cuộc nói chuyện như hôm nay lại rất ít”. Còn em Đặng Trần Ngọc Trâm (lớp 8/8 Trường Nguyễn Văn Bé, quận Bình Thạnh) mong muốn tại mỗi trường đều có trung tâm tư vấn học đường để các em “trút bầu tâm sự”.
Bà Phạm Phương Thảo thừa nhận TPHCM có đến 1,7 triệu trẻ em trên 7 triệu dân nhưng công tác chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều thiếu sót. “Trẻ em chưa tham gia bầu cử, ít quyền lực kinh tế nên tiếng nói của các em phải chăng cũng chưa được quan tâm nhiều...” - bà Thảo nói.
Hậu quả của việc thiếu lắng nghe này, theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Gia Định (quận Bình Thạnh), là “thầy cô và học sinh thường ở vào thế... “chiến đấu” với nhau. Chúng tôi có mời chuyên gia tâm lý đến nói chuyện với các thầy cô mới biết rằng nhiều thầy cô hay định kiến là học sinh ngoan phải ngồi im nghe giảng. Còn nếu có ý kiến hay phản biện, hiếu động tức là không ngoan. Thầy cô đã phải giật mình nhìn lại”.
Ám ảnh chương trình học quá tải, bạo hành
“Sách giáo khoa nhiều kiến thức quá. Muốn hiểu được bài thì nhà trường phải tăng tiết ngoại khóa. Nhưng làm vậy lại mất thời gian vui chơi, giải trí của chúng em” - Trần Hán Nhật Minh, lớp 9T1 Trường THCS Lam Sơn, quận 6, phát biểu.
Hàng loạt bức xúc cho thấy học hành căng thẳng vẫn là nỗi ưu tư của các em. Thế nhưng, lời hứa giảm tải chương trình vẫn còn “suông”. Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Chương trình học rất nặng nên Bộ GD-ĐT đang tìm cách giảm bớt. Tuy nhiên vẫn chưa biết bớt thế nào cho phù hợp”.
Hàng loạt vụ bạo hành học đường gần đây khiến các em hết sức lo ngại. Em Nguyễn Thành Trí (Trường Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp) trăn trở: Các thầy cô nghĩ gì khi bạo hành học sinh?
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc nêu kinh nghiệm của Trường Gia Định trong giải quyết vấn nạn đánh nhau ở trường học: “Chúng tôi chủ động phối hợp với công an phường chốt chặn tại cổng trường vào giờ ra về, đồng thời mời công an đến nói chuyện về các hành vi phạm tội để giáo dục ý thức cho các em”.
Kết thúc tọa đàm, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: “Nhóm quyền được tham gia hoạt động xã hội thể hiện tiếng nói rất quan trọng đối với trẻ em. Sau khi làm điểm tại TPHCM, chúng ta sẽ lấy ý kiến của các em trên cả nước và có đầu mối chuyển giao cho lãnh đạo cũng như phản hồi cho các em”.
Bà Geetanjali Narayan, Trưởng Phòng Kế hoạch và Chính sách Xã hội - UNICEF: Tạo cơ chế để trẻ em bày tỏ ý kiến VN là một trong các quốc gia tổ chức rất ít những buổi tọa đàm với trẻ em như thế này. Tôi nhận thấy Chính phủ VN cam kết rất mạnh mẽ việc thực hiện quyền trẻ em. Đặc biệt, trẻ em VN tham gia nhận thức và thực hiện quyền của mình cũng mạnh mẽ không kém. Sắp tới, UNICEF sẽ cùng chính quyền địa phương tạo cơ chế để các em được nêu lên những băn khoăn, thắc mắc của mình nhiều hơn và thường xuyên hơn. |
Theo Mỹ Nhung (NLĐ)