Tính đến ghi nhận hiện tại từ đài Deutsche Welle (Đức), đảng Cộng Hòa đã giành số ghế thượng viện từ tay các đại biểu Dân Chủ của ông Obama chỉ trong vòng nửa đầu của kỳ bầu cử Quốc hội.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Đảng Cộng Hòa hiện giành được 52 trên 100 ghế Thượng viện (so với 48 ghế của phe Dân chủ). Tương tự tại cuộc bầu cử Hạ Viện diễn ra hồi đầu năm, lợi thế cũng nghiêng về phe Cộng Hòa khi Đảng Dân Chủ của ông Obama chỉ chiếm 36 trong tổng 435 số ghế.
Nhóm người reo hò ủng hộ một ứng viên Cộng Hòa vì đã giành được ghế tại bang Colorado. (ảnh: Washington Times)
Giới quan sát dự báo rằng nếu tình trạng "mất ghế" của Đảng Dân Chủ tiếp tục diễn ra, không bao lâu nữa, Tổng thống Obama sẽ không còn những người thân tín hỗ trợ đắc lực cho chiếc ghế của ông tại Nhà Trắng.
Trong khi đó, các thành viên thuộc đảng Cộng Hòa lại có đủ lực để “mạnh miệng” chất vấn những khủng hoảng gần đây, đồng thời buộc Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ phải cấn nhắc công tác bổ nhiệm ứng viên Dân Chủ tham gia tranh cử tại các bang.
Một số cố vấn của ông Obama như người phát ngôn tiền nhiệm Jay Carney kêu gọi tổng thống hãy làm theo ý mình, bất chấp Quốc hội có chịu thông qua hay không. Tuy nhiên việc này rất hiếm khi xảy ra trong lịch sử nước Mỹ.
Vì theo thể chế liên bang, Quốc hội ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động và quyết sách trong chính phủ Mỹ. Quốc hội là một đối trọng lớn với Nhà Trắng bởi Quốc Hội được quyền cho phép bỏ phiếu chống thông qua các đề xuất của tổng thống. Vì vậy, trong tương lai, Washington có thể vướng phải không ít trở ngại, nhất là khi Quốc hội và tổng thống không có cùng tiếng nói.
Ông Obama sẽ có cuộc gặp với lãnh tụ lưỡng viện vào ngày 7-11 (ảnh: AP)
Một khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền trong Thượng viện, rất có thể ông Obama sẽ gặp cản trở lớn trong việc thông qua các văn bản pháp luật. Không những vậy, những nỗ lực thuyết phục lưỡng đảng ủng hộ các chính sách mới, ví dụ như các hiệp định thương mại, cải cách thuế, cũng trở nên khó khăn hơn.
Ông Obama có thể sẽ đối mặt với nguy cơ các sáng kiến phát triển ngành hành pháp sẽ bị Quốc Hội bác bỏ. Tương tự các vấn đề về người nhập cư, năng lượng, điển hình là các bất đồng xoay quanh các ống dẫn dầu từ Canada cũng có nguy cơ bị gác lại vì các tranh cãi chưa ngả mũ từ hai đảng.
Các chuyên gia nghiên cứu về Mỹ nhận định ngay từ khi ông Obama nhậm chức, việc thuyết phục các chính trị gia theo đảng đối lập - Cộng Hòa - không hề dễ dàng. Hãng Reuters bình luận rằng sai lầm của ông Obama là đã không làm thân với các nhà lập pháp phe Cộng Hòa từ khi còn giữ chức nghị sĩ.
Hiện ông chủ Nhà Trắng đang dần mất đi đồng minh thân hữu trong Quốc Hội. Mới đây, một trong những chính trị gia luôn sát cánh với ông Obama, Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Harry Reid, đã phải nhường ghế lãnh tụ chủ chốt của Thượng viện cho người đương nhiệm là Nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mitch McConnell của bang Kentucky. Trong khi chủ tịch Hạ Viện vẫn là Hạ nghị sĩ Cộng Hòa từ bang Ohio John Boehner.
Cầm quyền ở những vị trí quan trọng, Đảng Cộng Hòa sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ phía công chúng. Người dân Mỹ trông chờ Quốc hội sẽ có cách giải quyết vấn đề khó khăn ngân sách. Giới quan sát dự báo, "các giải pháp làm cứu cánh cho ngân sách Mỹ" sẽ ảnh hưởng đến sự thành bại của đảng Cộng Hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, trước các đối thủ đáng gờm, trong đó có bà Hillary Clinton.
Theo Washington Times, dự kiến vào ngày thứ 6 (7-11), ông Obama sẽ họp với hai lãnh tụ tại Thượng viện và Hạ viện để kêu gọi hợp tác giải quyết các vấn đề nhức nhối hiện nay hòng đem lại lợi ích chính đáng cho người dân và nước Mỹ.