Làng bóng Việt Nam gần đây liên tiếp để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng ở các trận cầu quốc tế khiến FIFA và AFC xử phạt nặng. Tiếc là nó vẫn diễn ra mang tính chất leo thang về mức độ nguy hiểm và một CĐV nữ chịu gánh nặng thương tích.
Trả lời báo chí, Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành nói: “Sự việc này đã đi quá xa. Ban tổ chức trận đấu chắc chắn phải chịu án phạt nặng nhất khi để pháo lọt vào sân, CĐV Nam Định cũng phải chịu án nặng. Không rõ tại sao trong cuộc họp của các bên như VFF, VPF, Công an Hà Nội đã chốt các phương án gắn thiết bị từ ở cổng vào để rà soát pháo sáng nhưng họ lại không thực hiện”.
Còn nhớ những lần trước, sân Hàng Đẫy từng bị phạt vì vấn nạn pháo sáng liên tục diễn ra nhưng đêm 11-9 mức độ diễn ra kinh hoàng hơn với một CĐV bị thương nặng, lực lượng làm nhiệm vụ bị tấn công. Đây là vấn đề FIFA luôn đặt vào tình thế nghiêm trọng bởi nó có khả năng gây ra chết người.
Thực tế FIFA thường chậm rãi đưa ra các án phạt vì cần thời gian nghiên cứu báo cáo của các bên. Nếu sự cố xuất phát từ bệnh hình thức, sơ sài và xem thường của ban tổ chức trận đấu không theo quy chuẩn, mức phạt sẽ nặng hơn nguyên nhân bất khả kháng.
Theo đánh giá ban đầu của VPF, ban tổ chức trận đấu đã không áp dụng hoặc phớt lờ các biện pháp ngăn ngừa triệt để hành vi vi phạm có thể khiến FIFA trừng phạt nặng và bản chất của vấn đề luôn nhận sự phán xử thấu đáo.
Năm 2017, trên sân Olympic ở Phnom Penh vòng loại Asian Cup 2019, khu vực khán giả Việt Nam đốt pháo sáng trong trận làm khách Campuchia ngày 5-9, VFF từng bị phạt 150.000 USD, còn chủ nhà nộp 50.000 USD. Trận CĐV Malaysia đốt pháo sáng khi tiếp UAE (vòng loại World Cup 2018) vào năm 2015 trên sân Bukit Jalil, chủ nhà cũng bị phạt 150.000 USD và cấm ba trận thi đấu ở sân nhà không khán giả,...
Vụ việc trên sân Hàng Đẫy đêm 11-9 có mức độ lớn hơn và nhất định FIFA sẽ đề nghị các bên như VFF, VPF, ban tổ chức trận đấu, giám sát trận đấu gửi báo cáo về FIFA để nghiên cứu đưa ra án phạt.