Theo ông Bình, Luật Tố cáo bước đầu đưa ra quy định về các giải pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thiết thực. Ông Bình cho rằng cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết, đầy đủ, toàn diện và phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ kịp thời người tố cáo và người thân của người tố cáo.
Ông Bình nhìn nhận dự thảo luật chưa quy định rõ ràng, thiếu những chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm như cố tình không giải quyết tố cáo, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc, cố tình tố cáo sai sự thật... Ông Bình cho rằng trên thực tế có rất nhiều trường hợp cố tình tố cáo sai sự thật nhưng hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở người tố cáo.
Ông Châu Vĩ Tuấn, Phó phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị phải có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật, vu khống. Đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Điều 11 của dự thảo luật có quy định về quyền của người giải quyết tố cáo: “Áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”. Tuy nhiên, dự thảo luật không nêu những biện pháp này là gì. Theo ông Tuấn, việc áp dụng các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân của người bị tố cáo như ngăn chặn người bị tố cáo đi ra nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền tài sản của người bị tố cáo như hạn chế quyền chuyển nhượng giao dịch tài sản của người bị tố cáo... Do đó, ông Tuấn đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ từng loại biện pháp ngăn chặn, chủ thể có quyền áp dụng, điều kiện áp dụng để người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có cơ sở pháp lý thực hiện. Điều này nhằm tránh sự khiếu nại của người bị tố cáo cũng như hạn chế sự tùy tiện, lạm quyền của các chủ thể trong quá trình giải quyết tố cáo.