Ngày 26-3, tại Đồng Nai, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tham gia hội nghị có sáu tỉnh gồm Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là giờ làm thêm, đình công…
Tăng ca chứ không tăng lương
Góp ý về thời giờ làm thêm đối với người lao động, ông Hồ Xuân Lâm, Phó phòng Quản lý lao động, Ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất TP.HCM, cho rằng nên để Bộ Y tế xác minh người Việt Nam làm bao nhiêu tiếng/ngày là phù hợp chứ không thể nói một cách cảm tính là làm thêm 200 giờ/năm hay 300 giờ/năm.
Ông Phạm Hưng, đại diện phía Nam Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng đề nghị phải có hội đồng thẩm định y khoa thẩm định về sức khỏe của công nhân. Theo ông Hưng, dự luật không cần khống chế tổng số giờ làm thêm.
Không đồng tình, ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nói: “Nếu không khống chế giờ làm thêm thì công nhân ngành dệt may có thể phải làm thêm đến hơn 800 giờ/năm thay vì 300 giờ như dự luật quy định”. “Vấn đề cần bàn là làm sao để tăng năng suất lao động và tăng tiền lương chứ không phải là tăng giờ làm thêm. Không người lao động nào muốn một ngày làm quá tám tiếng. Có một thực tế tại TP.HCM là tai nạn lao động thường xảy ra vào giờ làm thêm vì công nhân tăng ca trong tình trạng đã quá sức mà bữa ăn lại không đảm bảo nên sức khỏe kém...” - ông Danh bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Giày Việt Vinh - Khu công nghiệp Song Mây (Đồng Nai), lại có quan điểm khác. “Nhu cầu tăng ca phải xem xét cả từ hai phía. Công ty có hàng thì mới tăng ca. Và người lao động vì nhu cầu cuộc sống và đảm bảo sức khỏe thì vẫn nên tạo điều kiện cho họ làm. Vì vậy, chưa thể bỏ quy định tăng ca trong thời điểm này. Quy định làm thêm 300 giờ/năm là hợp lý vì trừ ngày lễ, nghỉ ra thì trung bình người lao động chỉ phải làm thêm một giờ/ngày” - ông Luân phân tích.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt: Vấn đề đình công nếu không có vai trò của địa phương thì rất khó xử lý. Ảnh: N.NAM
Sẽ không có đình công hợp pháp?
Theo dự luật, một cuộc đình công được coi là hợp pháp phải trải qua rất nhiều thủ tục (lấy ý kiến và được sự đồng ý của tập thể lao động, ra quyết định đình công và bản yêu cầu, ra thông báo về thời gian, địa điểm đình công, báo cáo công đoàn cấp trên, thông báo cho chủ sử dụng lao động trước 10 ngày làm việc…). Nhiều đại biểu cho rằng quy định về đình công như bộ luật hiện hành và dự án sửa đổi này thì người lao động khó mà thực hiện được. Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, quy định như trong dự luật siết chặt quá thì không bao giờ đình công được coi là hợp pháp. “Quan điểm siết chặt để hạn chế đình công là sai lầm. Bởi thực tế đình công vẫn nổ ra mặc dù có thể người sử dụng lao động vẫn trả lương cao, vẫn thực hiện đúng trách nhiệm. Vì vậy, tôi đề nghị nên sửa quy định về thủ tục đình công theo hướng mở để luật đi vào cuộc sống” - ông Luân nói.
Ông Luân đề xuất: Nếu chúng ta trao quyền cho công đoàn cơ sở như họ có quyền thương lượng với doanh nghiệp đến lần thứ ba mà doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu của người lao động thì công đoàn cơ sở báo lên công đoàn cấp trên và tổ chức đình công. Như vậy, tự chủ doanh nghiệp phải biết chấp hành đúng quy định của pháp luật, nếu không thì công nhân của họ sẽ đình công, lúc đó còn thiệt hơn.
Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, vấn đề đình công nếu không có vai trò của địa phương thì rất khó xử lý. Vì vậy, dự luật nên quy định trách nhiệm, quyền hạn của địa phương trong việc giải quyết đình công. “Kinh nghiệm của Đồng Nai là có đoàn liên ngành đứng ra phối hợp giải quyết. Theo đó, đoàn liên ngành xem xét quyền lợi của người lao động được pháp luật cho phép đến đâu là đủ, giới chủ nhượng bộ đến đâu là hợp lý thì sau đó đoàn sẽ có quyền yêu cầu chấm dứt đình công ngay chứ không nên kéo dài” - ông Kiệt nói.
Vấn đề đạo đức Chúng ta phải tự hỏi là tại sao người lao động phải làm thêm giờ? Bởi vì thu nhập thực tế của họ quá thấp, nếu không làm thêm giờ thì tiền lương đó không đủ trang trải cuộc sống. Tại sao người sử dụng lao động lại không muốn tìm cách tăng thêm tiền mà lại đòi tăng thêm giờ? Tôi cho đó là vấn đề đạo đức của người sử dụng lao động. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Nhu cầu chính đáng Chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe người lao động nhưng việc đó lại làm ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Nhiều trường hợp phụ nữ mới sinh con được sáu tháng nhưng vì cần tiền nuôi con, họ sẵn sàng yêu cầu được tăng ca. Công ty không dám cho tăng ca vì sợ vi phạm luật thì họ lại khiếu nại vì không đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Giày Việt Vinh (Khu công nghiệp Song Mây, Đồng Nai) |
NHẪN NAM