Không túng vẫn làm liều

Có một câu hỏi ám ảnh sau những vụ án cầu thủ bán rẻ danh dự của mình là tại sao họ không đến nỗi túng quẫn mà vẫn phạm tội dù có quá nhiều bài học nhãn tiền?

Từng có lý giải là đời cầu thủ ngắn chỉ trên dưới chục năm nên họ phải ráo riết kiếm tiền lo cuộc sống không bóng đá (!?). Đấy là một sự ngụy biện bởi bóng đá đang đem đến cho họ tiền bạc cao hơn nhiều so với mức sống chung của xã hội. Mỗi tháng một cầu thủ nhận lương không dưới 20 triệu đồng và một lần chuyển nhượng đã nhận ít nhất vài trăm triệu cho đến vài tỉ đồng. Đấy là chưa kể gia đình của nhiều cầu thủ còn rất khá giả và bản thân họ có một cuộc sống phong lưu, sành điệu.

Thế thì tại sao cầu thủ bán độ?

Có một chi tiết nhỏ trong vụ cầu thủ Đồng Nai dàn xếp kết quả trận gặp Than Quảng Ninh mà HLV Trần Bình Sự nhắc đến là tính chất trận đấu không còn quan trọng vì cả hai đội đã đủ điểm trụ hạng. Khả năng và chỉ tiêu của Đồng Nai cũng không cao nên không thể lên tốp trên thì việc họ chơi cho ra tổng tỉ số trên ba bàn là không khó.

Ngay cả tâm lý của ban huấn luyện lẫn sự toan tính của họ cho từng trận cũng có xác định trận này sẽ chơi ra sao hoặc trận khác có thể lấy điểm hay không, nhất là giai đoạn cuối mùa dễ gây ra cho cầu thủ một nhận thức buông bỏ.

Thứ nữa là tình trạng cá cược bóng đá tại Việt Nam dù cấm nhưng lại rất phổ biến và ở đâu, chỗ nào cũng chơi được trong khi cầu thủ lại có bửu bối vừa đánh vừa đá thì kiểu gì không ăn chắc.

Cuối cùng vẫn là ý thức của các cầu thủ từ bé đến lớn chỉ được dạy đá bóng chứ không được dạy làm người trước khi làm cầu thủ nên biết là tội mà cứ cắm đầu vào làm.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm