Kiếm ăn trên những phận người

Các đối tượng chăn dắt ăn xin thường tuyển dụng “lính” là trẻ em, người già và người khuyết tật. Trẻ em thì gần như không có sự tự vệ, người già hoặc người khuyết tật thì khó có thể đi tìm được một việc làm nào có thu nhập cao hơn những lời hứa hẹn của chủ. Có những người bị lừa ngay từ đầu khi bước chân vào nghề này. Ban đầu người chủ hứa hẹn sẽ cho đi bán vé số, bán tăm bông… nhưng khi vào tới nơi mới biết là mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi ăn xin để đem tiền về cho chủ.

Đã có những khoảng lặng, những giọt nước mắt của những nạn nhân khi trao đổi với chúng tôi về quãng thời gian mà họ gọi bằng một từ duy nhất là nhục. Họ đã buộc phải bán đi lòng tự trọng của bản thân, của họ hàng, gia đình mình. Có thể nói người buộc người khác đi xin ăn đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Những hình ảnh trẻ em, người tàn tật xin ăn diễn ra nhan nhản ngoài đường, ở các ngã tư, đằng sau họ luôn có bóng dáng của những tay "chăn dắt". Hành vi kiếm chác trên thân phận người khác là một hành vi đáng lên án nhưng lâu nay hiếm có trường hợp nào bị xử lý bởi pháp luật. Kết cục là có những người "chăn dắt" thâm niên và coi đây là một nghề khó bỏ bởi mức thu nhập khủng của nó.

Trước tình trạng này, cách đây vài năm, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã từng ra lời kêu gọi đến từng tổ dân phố vận động người dân không cho tiền người ăn xin. Nguyên nhân của lời kêu gọi: Tất cả người cơ nhỡ khi đến thành phố này đều có thể được giúp đỡ bằng nhiều cách, trẻ em thì đã có trung tâm bảo trợ trẻ em lo, người già thì có trung tâm bảo trợ người già lãnh, người tàn tật cũng vậy. Thậm chí người lỡ đường cũng có nơi hỗ trợ tiền xe về quê… Một lý do nữa là qua khảo sát cho thấy hầu hết người đi xin đều có người "chăn dắt", tức là số tiền đó phần nhiều sẽ vào tay người không đáng được cho. Sở này vận động người dân hãy làm từ thiện đúng địa chỉ, đúng chỗ cần cho. Tuy nhiên, cuộc vận động này dường như không mấy hiệu quả vì không thể buộc người ta thôi lòng trắc ẩn với những hoàn cảnh đáng thương ngay trước mắt mình.

Đứa bé bị buộc phải quỳ gối xuống trước mặt người khác, tỏ ra vẻ mặt đáng thương, chìa tay xin tiền sau này sẽ trở thành một con người như thế nào khi từ nhỏ đã bị ép đánh mất lòng tự trọng như thế? Những ngày tháng cuối đời của cụ già phải chịu ám ảnh đến mức nào khi bị buộc phải dùng vải rách che kín mặt, khòm lưng giả dạng một người khố rách áo ôm và nhận những câu khó nghe của thiên hạ khi ngửa tay xin tiền? Trong một xã hội văn minh, không thể chấp nhận kiểu kiếm ăn bằng cách đánh tráo thân phận của người khác. Với hành vi đó, những người "chăn dắt" đã gây tâm lý hoài nghi cho xã hội, tước đi cơ hội được nhận lòng thương dành cho những người cơ nhỡ thật sự.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm