Nhiều ý kiến cho rằng quy định tiền lương chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động xảy ra nhiều trong thời gian qua. Cạnh đó, các quy định về giải quyết tranh chấp lao động, đình công cũng chưa sát với thực tế. Báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP cho thấy nhiều doanh nghiệp đăng ký thang, bảng lương mang tính hình thức. Người lao động làm việc lâu năm nhưng không được nâng bậc lương hoặc mức tăng không phù hợp giữa lao động mới và lao động thâm niên. Tuy nhiên, việc xử phạt các doanh nghiệp này lại không được quy định cụ thể. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng Bộ luật Lao động triển khai trong thực tế những năm qua còn bộc lộ sự không bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động. “Tôi đề nghị Quốc hội lần này cần phải sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động để luật thực sự đi vào cuộc sống” - luật sư Hậu nói.
Về nội dung nâng tuổi nghỉ hưu của nữ giới lên 60, nam giới lên 62, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), cho biết có sự khác nhau về điều kiện làm việc của nữ công nhân lao động trực tiếp với nữ cán bộ, công chức, người nghiên cứu khoa học… Do đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tham gia sản xuất, kinh doanh cần phân ra ba nhóm: 55 tuổi - điều kiện lao động bình thường; 50 tuổi - môi trường nặng nhọc, độc hại; 45 tuổi - môi trường đặc biệt độc hại. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58 - môi trường bình thường; 50 - môi trường độc hại và đặc thù.
Chiều 30-8, tại TP.HCM, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì buổi tọa đàm về việc thành lập Ban Quan hệ lao động cấp tỉnh (Ban QHLĐ). Đây là mô hình mới, sẽ được thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Ban QHLĐ ra đời sẽ giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến tranh chấp lao động, đời sống, tuyên truyền pháp luật, văn hóa, tinh thần... Ban QHLĐ thành phố là cơ quan độc lập, hoạt động như một cơ chế phối hợp bởi các thành viên kiêm nhiệm thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Ban có nhiệm vụ tư vấn cho UBND TP, tổ công tác liên ngành đề ra các chính sách, giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn. Thành phần ban chỉ đạo sẽ gồm: phó bí thư Thành ủy, phó chủ tịch UBND TP, đại diện các sở ngành, đoàn thể. Ban gồm bốn tiểu ban: Quan hệ lao động, Thông tin tuyên truyền, Chăm lo đời sống vật chất, Chăm lo đời sống tinh thần.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng nếu các tiểu ban này hoạt động tích cực sẽ hài hòa được quan hệ lao động vốn khá nóng bỏng trên địa bàn. Ông Huân cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện thiết chế, chức năng các tiểu ban, trong đó có sự tham gia tích cực của ba bên (địa diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Nhà nước) mới có hiệu quả. “Quan hệ ba bên phải vận hành theo kinh tế thị trường, nếu không tuân thủ điều này thì khó hài hòa quan hệ lao động” - ông Huân lưu ý.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng Ban QHLĐ có quá nhiều cơ quan tham gia, nhiều nhiệm vụ đã được các cơ quan chức năng khác thực hiện rành rẽ rồi, có thể sẽ bị chồng chéo trong hoạt động.
N.NAM - B.PHƯỢNG - P.ĐIỀN