Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy… sẽ bị hủy bỏ từ đầu năm 2023 (hết giá trị sử dụng) theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, mọi thông tin của người dân sẽ được lưu trữ và quản lý trên môi trường điện tử.
4 loại giấy tờ chứng minh thông tin cư trú thay cho sổ hộ khẩu
- Căn cước công dân/chứng minh nhân dân
- Giấy xác nhận thông tin về cư trú
- Giấy thông báo số định danh cá nhân
Đầu năm 2023, bạn sẽ không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu khi đi thực hiện các thủ tục hành chính, mọi thông tin cá nhân liên quan sẽ được khai thác trực tiếp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tài khoản định danh điện tử VNeID tích hợp nhiều giấy tờ quan trọng. Ảnh: MINH HOÀNG |
1. Làm căn cước công dân gắn chip
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014, căn cước công dân (CCCD) là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.
Ngoài ra, căn cước công dân càng về sau càng được tích hợp nhiều thông tin, giấy tờ liên quan. Do đó, người dân có thể sử dụng căn cước công dân để chứng minh thông tin cá nhân khi đi thực hiện các thủ tục hành chính.
Hiện tại công an các phường/xã, quận/huyện đang đẩy mạnh triển khai cấp đổi căn cước công dân gắn chip cho người dân. Do đó, nếu chưa đổi sang căn cước công dân gắn chip, bạn nên đến trực tiếp các cơ quan thẩm quyền gần nơi mình sinh sống để được hỗ trợ.
Trong trường hợp làm căn cước công dân đã lâu nhưng chưa nhận được thẻ, bạn đọc có thể tham khảo bài viết 5 cách kiểm tra căn cước công dân đã làm xong chưa.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử
VNeID hay còn gọi là tài khoản định danh điện tử, cho phép người dân thực hiện các thủ tục hành chính, xác minh thông tin nhanh hơn mà không cần phải mang theo giấy tờ bản cứng, giảm thiểu rủi ro mất mát và tiết kiệm thời gian.
Ứng dụng VNeID thay thế các giấy tờ bản cứng. Ảnh: MINH HOÀNG/Canva |
Để sử dụng VNeID thay thế cho các giấy tờ tùy thân hiện có cũng như là sổ hộ khẩu giấy, người dùng cần cài đặt ứng dụng thông qua Google Play hoặc App Store. Sau đó tiến hành đăng ký tài khoản bằng số định danh cá nhân (tức là số CCCD) và số điện thoại.
Khi hoàn tất, người dùng có thể đến trực tiếp công an phường/xã nơi cứ trú để được hỗ trợ nâng cấp lên mức độ 2. Lưu ý, bạn cần mang theo căn cước công dân gắn chip (CCCD), bằng lái xe, bảo hiểm y tế… để được cán bộ hỗ trợ tích hợp thông tin vào ứng dụng VNeID.
Nâng cấp tài khoản VNeID lên mức độ 2 để sử dụng được nhiều dịch vụ hơn. Ảnh: MINH HOÀNG |
3. Cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia
Đầu tiên, bạn hãy mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào cổng Dịch vụ công Quốc gia tại đây. Sau đó bấm vào nút đăng nhập ở góc trên bên phải. Trong trường hợp chưa có tài khoản, người dùng chỉ cần bấm Đăng ký - Công dân - Thuê bao di động.
Đăng ký tài khoản miễn phí trên cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: MINH HOÀNG |
Tiếp theo, người dùng cần điền đầy đủ các thông tin cần thiết tại các mục có đánh dấu (*), đơn cử như họ tên, số CMND/căn cước. Lưu ý, nếu trước đó bạn đăng ký thông tin thuê bao với nhà mạng bằng CMND thì điền số CMND và ngược lại.
Khi hoàn tất, bạn hãy bấm vào tên tài khoản ở góc trên bên phải và chọn Thông tin cá nhân. Trong thanh menu bên trái, người dùng chỉ cần tìm đến mục Thông tin định danh - Sửa, sau đó chỉnh sửa hoặc cập nhật thêm các thông tin còn thiếu và lưu lại.
Cập nhật, chỉnh sửa hoặc bổ sung thêm các thông tin cá nhân còn thiếu. Ảnh: MINH HOÀNG |
Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết cách cập nhật thông tin cá nhân vào căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giúp bạn thuận tiện hơn khi đi làm các thủ tục hành chính sau này.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.