Các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thậm chí ung thư phổi... đều có thể phát sinh từ việc hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài. May mắn thay, sự phát triển của công nghệ đã mang đến cho chúng ta những công cụ hữu ích để đối phó với vấn nạn này, mà điển hình là việc kiểm tra chất lượng không khí ngay trên chính chiếc điện thoại thông minh.
Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể biến chiếc điện thoại của mình thành một thiết bị theo dõi chất lượng không khí "bỏ túi".
Các ứng dụng di động phổ biến như AirVisual, PAM Air cung cấp thông tin chi tiết về chỉ số AQI, nồng độ bụi mịn PM2.5, PM10… Dữ liệu này được tổng hợp từ các trạm quan trắc chính thức, kết hợp với thông tin từ cộng đồng người dùng, đảm bảo độ chính xác và tin cậy.
AQI là gì?
AQI (chỉ số chất lượng không khí) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Cách kiểm tra chất lượng không khí bằng điện thoại
Đầu tiên, bạn hãy cài đặt một trong các ứng dụng kể trên thông qua Google Play hoặc App Store, sau đó cấp quyền và làm theo các bước hướng dẫn.
Tiếp theo, người dùng chỉ cần định vị khu vực mình đang sinh sống, tự động ứng dụng AirVisual sẽ hiển thị chỉ số AQI và các thông tin liên quan.
Màu xanh lá tương ứng với chỉ số chất lượng không khí từ mức 0-50 (an toàn), màu vàng (51-100) là bình thường, màu cam (101-150) là không tốt cho nhóm người nhạy cảm, khi cảnh báo hiển thị màu đỏ (151-200), người dùng nên hạn chế ra đường để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe…
Để xem chất lượng không khí tại các khu vực khác, bạn hãy chuyển sang mục Bản đồ. Tại đây, ứng dụng sẽ hiển thị chỉ số AQI của từng khu vực, khi bấm vào một mục bất kì, người dùng sẽ biết được tỉ lệ bụi mịn (mcg/m3 hoặc μg/m³), độ ẩm, nhiệt độ, sức gió…
Ví dụ tại khu vực quận 5 (trưa ngày 3-12), ứng dụng AirVisual đo được chỉ số AQI là 162 (có hại cho sức khỏe). Trong đó, nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 70.6 μg/m³ (mức cho phép là khoảng 5 μg/m³). Con số này hiện cao hơn gấp 14 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Lưu ý, việc kiểm tra chất lượng không khí chỉ là bước đầu tiên. Điều quan trọng hơn là mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trước tác hại của ô nhiễm. Hãy chủ động theo dõi thông tin về chất lượng không khí, hạn chế ra ngoài vào những thời điểm ô nhiễm cao, sử dụng khẩu trang chuyên dụng, lắp đặt máy lọc không khí trong nhà, và trồng nhiều cây xanh để góp phần cải thiện môi trường sống.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, việc tận dụng công nghệ để theo dõi và bảo vệ sức khỏe bản thân là điều cần thiết.