Tấn công ransomware là gì?
Đây là một loại hình tấn công mạng mà tin tặc sử dụng phần mềm độc hại để mã hóa dữ liệu của nạn nhân, khiến họ không thể truy cập các tệp tin, hệ thống... Sau đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc để đổi lấy khóa giải mã dữ liệu.
Điểm yếu từ sự phát triển không đồng đều
Theo báo cáo mới nhất của Kaspersky, chỉ trong sáu tháng đầu năm, công ty đã phát hiện và ngăn chặn 57.571 vụ tấn công ransomware tại Đông Nam Á.
Sức hấp dẫn của Đông Nam Á đến từ đặc điểm địa lý, nguồn lực và vị thế trung tâm tài chính, công nghệ. Tuy nhiên, mức độ đầu tư và phát triển hạ tầng an ninh mạng giữa các quốc gia trong khu vực vẫn còn chênh lệch lớn, tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm khai thác lỗ hổng.
Adrian Hia, Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Kaspersky, nhận định rằng các nhóm ransomware ngày càng nhắm vào những ngành dễ tổn thương như tài chính, dịch vụ công, sản xuất và y tế. "Tội phạm mạng, đặc biệt là những nhóm có mục tiêu tài chính, đang tập trung vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, nơi thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trọng cả về tài chính lẫn uy tín," ông Hia cho biết.
Indonesia dẫn đầu khu vực với hơn 32.800 cuộc tấn công bị ngăn chặn, theo sau là Philippines (15.208 vụ) và Thái Lan (4.841 vụ). Việt Nam (692 vụ) và Singapore (107 vụ), dù có số vụ ít hơn, nhưng không vì thế mà thoát khỏi nguy cơ.
Thực hư thông tin 100 triệu dữ liệu người dùng Zalo bị lộ?
Các cuộc tấn công gần đây vào các tổ chức quan trọng như Trung tâm Dữ liệu Quốc gia Indonesia, hệ thống y tế Philippines hay chuỗi nhà thuốc tại Malaysia là minh chứng rõ ràng cho mối đe dọa đang gia tăng.
Rủi ro chồng chất: Không chỉ là tài chính
Hậu quả từ các cuộc tấn công ransomware không chỉ dừng lại ở tổn thất tài chính. Các tổ chức thường xuyên đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động, mất dữ liệu và thời gian dài để phục hồi hệ thống. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các cơ sở hạ tầng trọng yếu hoặc nhà cung cấp dịch vụ quan trọng, khi mỗi giờ ngừng hoạt động có thể gây ra thiệt hại không thể đong đếm.
Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp và chính phủ trong khu vực đang tăng cường nỗ lực để đối phó. Nhiều sáng kiến như chương trình No More Ransom hay các luật an ninh mạng đang dần được triển khai, song song với sự hỗ trợ từ các công ty bảo mật.
Kaspersky cũng đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, từ cập nhật phần mềm, sao lưu dữ liệu thường xuyên đến áp dụng các giải pháp an ninh mạng tiên tiến. Đáng chú ý, việc đào tạo nhân viên về nhận thức an ninh mạng và thiết lập Trung tâm Điều hành An ninh (SOC) đang trở thành yếu tố then chốt để phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa.
Ông Hia nhấn mạnh: "Để bảo vệ mình trước ransomware, các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, cần đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và xây dựng đội ngũ có chuyên môn cao. Đây không chỉ là bài toán công nghệ, mà còn là bài toán chiến lược để bảo vệ tài sản và uy tín trong dài hạn."
Ransomware đang trở thành thách thức cho nền kinh tế số tại Đông Nam Á, nơi sự phát triển của công nghệ song hành với những lỗ hổng an ninh mạng. Để đối mặt, các doanh nghiệp không chỉ cần giải pháp công nghệ mạnh mẽ mà còn phải xây dựng chiến lược dài hạn, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia và cơ quan chức năng.