Lướt qua các video phát trực tiếp lúc 4 giờ sáng trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Trung Quốc, bạn sẽ thấy không khí náo nhiệt một cách kỳ lạ. Trong khi hầu hết mọi người đang ngủ say, vẫn có rất nhiều người livestream siêng năng giới thiệu sản phẩm trước ống kính và đưa ra khuyến mãi giảm giá lúc nửa đêm.
Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, bạn có thể nhận thấy rằng nhiều người livestream có vẻ hơi robot. Chuyển động của môi phần lớn khớp với lời nói, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một số khoảnh khắc trông không tự nhiên.
Điều này cũng không có gì khó hiểu vì họ không phải là người thật. Khi công nghệ AI, deepfake… hỗ trợ tạo ảnh đại diện, giọng nói và chuyển động thực tế ngày càng tiên tiến và có giá rẻ hơn, bạn sẽ thấy những người ảo livestream bán hàng xuất hiện thường xuyên hơn trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.
Ngày nay, livestream được xem là kênh tiếp thị dẫn đầu của các thương hiệu truyền thống và kỹ thuật số ở Trung Quốc. Những người có ảnh hưởng trên Taobao, Douyin, Kuaishou hoặc các nền tảng khác có thể kiếm được doanh thu khủng chỉ trong vài giờ bán hàng. Tuy nhiên, việc đào tạo người livestream, đầu tư hệ thống kỹ thuật… sẽ là một gánh nặng tài chính đối với các công ty nhỏ. Trong khi nếu áp dụng công nghệ deepfake, AI… để tạo người ảo livestream bán hàng thì mọi thứ sẽ rẻ hơn nhiều.
Kể từ năm 2022, một loạt công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ tạo hình đại diện deepfake để livestream trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ với vài phút video mẫu và chi phí 1.000 USD, bạn có thể tạo ra bản sao của chính mình để livestream bán hàng liên tục 24/7.
Trung tâm Livestream với siêu thị online bán hàng bằng người ảo AI
(PLO)- Trung tâm Livestream TP.HCM mang đến một hệ sinh thái livestream đa chức năng với siêu thị online, bán hàng hoàn toàn bằng người ảo AI.
Từ deepfake đến thương mại điện tử
Deepfake đã gây chú ý kể từ cuối những năm 2010, đặc biệt khi một người dùng Reddit có tên là “deepfake” tráo đổi khuôn mặt để xem nội dung khiêu dâm. Kể từ đó, công nghệ này đã liên tục phát triển, tạo ra người ảo với những biểu cảm, hành động y như thật.
Công nghệ deepfake hiện nay đang bị lạm dụng để tạo ra các video khiêu dâm trả thù, lừa đảo danh tính và đưa các thông tin sai lệch về chính trị. Tuy nhiên, hiện tại các công ty AI Trung Quốc đã tìm ra một cách mới để tận dụng deepfake, đó chính là tạo ra người ảo để livestream bán hàng 24/7.
Sima Huapeng, người sáng lập và CEO công ty khởi nghiệp Silicon Intelligence có trụ sở tại Nam Kinh cho biết công ty bắt đầu nhận thấy tiềm năng của AI như một công cụ livestream vào năm 2020.
Ở thời điểm đó, Silicon Intelligence cần video mẫu dài 30 phút để tạo ra người ảo có thể nói và hành động như con người. Tuy nhiên, con số này ngày càng giảm dần chỉ còn 10 phút, rồi 3 phút và bây giờ chỉ cần 1 phút video.
Và khi công nghệ được cải thiện, giá cả của dịch vụ cũng sẽ rẻ hơn. Việc tạo ra một người ảo hiện tốn khoảng 1.100 USD hoặc cao hơn nếu sử dụng các tính năng nâng cao.
Sau khi hình đại diện được tạo, miệng và cơ thể của người ảo sẽ di chuyển theo âm thanh kịch bản. Bây giờ, tất cả những gì bạn phải làm là nhập thông tin cơ bản như tên và giá của sản phẩm đang được bán, đọc lại tập lệnh được tạo và xem người ảo livestream.
Phiên bản công nghệ tiên tiến hơn có thể phát hiện các nhận xét trực tiếp và tìm câu trả lời phù hợp trong cơ sở dữ liệu để trả lời theo thời gian thực. Điều này tạo ra cảm giác có vẻ như người bán đang tích cực giao tiếp với khán giả. Sima cho biết, công ty thậm chí có thể điều chỉnh chiến lược tiếp thị dựa trên số lượng người xem.
Huang Wei, giám đốc kinh doanh tại công ty AI Trung Quốc Xiaoice, cho biết những người ảo AI livestream này được đào tạo dựa trên các kịch bản và cử chỉ phổ biến thường thấy trong các video thương mại điện tử. Công ty có cơ sở dữ liệu về gần một trăm bộ máy được thiết kế sẵn.
“Ví dụ, khi người ảo livestream giới thiệu một sản phẩm mới, họ sẽ chỉ tay xuống giỏ hàng, nơi người xem có thể tìm thấy tất cả sản phẩm. Chúng tôi muốn đảm bảo ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể phù hợp với nhau,” Huang Wei cho biết.
Tách ra khỏi Trung tâm Công nghệ Phần mềm Microsoft Châu Á vào năm 2020, Xiaoice luôn tập trung vào việc tạo ra người ảo giống với người thật nhất, đặc biệt là những ảnh đại diện có khả năng thể hiện cảm xúc.
Sau khi thử nghiệm với một số khách hàng vào năm ngoái, Xiaoice đã chính thức ra mắt dịch vụ tạo người ảo với giá chưa tới 1.000 USD. Giống như Silicon Intelligence, Xiaoice chỉ cần người dùng cung cấp một đoạn video dài 1 phút về chính họ để tạo ra người ảo.
Người ảo livestream bán hàng, sự thay thế giá rẻ
Huang cho biết, những người ảo livestream sẽ không thể tốt bằng những người thật có sức ảnh hưởng, nhưng nó đủ tốt để thay thế người dùng thông thường. Việc sử dụng các hệ thống tạo người ảo để livestream thường sẽ tốn ít chi phí hơn so với việc đầu tư hệ thống kỹ thuật và trả lương cho người thật, chưa kể đến việc người ảo có thể bán hàng trực tiếp liên tục 24/7.
Mặc dù vậy, người ảo livestream vẫn có một số hạn chế đối với vài ngành hàng. Ví dụ như người ảo sau khi giới thiệu các sản phẩm nội thất sẽ không thể đến ngồi lên ghế sofa hoặc nằm trên giường, vì vậy luồng phát trực tiếp đôi khi thiếu sự hấp dẫn.
Bên cạnh các công ty khởi nghiệp nhỏ như Silicon Intelligence và Xiaoice, các công ty công nghệ lớn cũng đang thử nghiệm tính năng livestream bằng người ảo. Alibaba, Tencent, Baidu và JD đều đã ra mắt dịch vụ tương tự, cho phép các thương hiệu trên nền tảng của họ tạo ra người ảo livestream bán hàng.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số luật trong hai năm qua về phương tiện tổng hợp và generative AI trên nền tảng thương mại điện tử.
TP.HCM sắp có trung tâm livestream bán hàng bằng người ảo
Dự kiến, trung tâm Livestream TP.HCM sẽ chính thức đưa vào hoạt động từ cuối tháng 3-2024, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo động lực phát triển ngành bán lẻ.
Trung tâm Livestream TP.HCM dưới sự vận hành của Nova AI Mall sẽ giúp các tiểu thương và nhãn hàng đang kinh doanh theo phương pháp truyền thống có thể từng bước chuyển mình sang các mô hình kinh doanh hiện đại, dựa trên nền tảng sự phát triển của TMĐT và những giải pháp bán lẻ mới của tương lai.
Đây là dự án thứ ba trong chuỗi hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát động. Tại Việt Nam, một số đơn vị, công ty cũng đã sử dụng người ảo để livestream bán hàng, ví dụ như tại sự kiện mua sắm ở chợ Bến Thành.