Sau bao nhiêu mong đợi, rồi TP.HCM - thánh địa của cải lương miền Nam cũng có được những hoạt động quy mô kỷ niệm “100 năm sân khấu cải lương” rộn ràng như hội. Tuy nhiên, sau những giây phút rộn ràng, hào hứng bên ngoài thì việc tổ chức dịp kỷ niệm này lại để lộ rất nhiều khiếm khuyết.
Nghệ sĩ dễ vui buồn, khán giả dễ buồn bực!
Ông Trần Hoàng Hiệp, một giảng viên giảng dạy ở một trường về thương mại, chia sẻ ý kiến sau khi tham dự và theo dõi gần như đầy đủ các hoạt động trong chuỗi chương trình kỷ niệm: “Cái hồn cải lương của dân Nam bộ biến đâu mất! Tôi xin lỗi trước những nghệ sĩ lão thành đã dành tâm huyết đóng góp vào chương trình tưởng như là rất có ý nghĩa này. Nhưng tôi thật lòng, với tư cách một khán giả đã hơn 40 năm nghe và xem hàng trăm tuồng tích cũng như những bài vọng cổ.
Phần lớn thời gian chương trình dành cho lễ lộc, phát biểu, trao chứng nhận và hoa tươi cho chỉ một số nghệ sĩ và trích đoạn một vài vở cải lương mà đa số trong đó không hề tiêu biểu cho những viên ngọc của kho tàng cải lương Nam bộ.
Chương trình cũng không tái hiện được đúng quá trình cải lương được hình thành như thế nào từ những buổi sơ khai. Không có tư liệu từ âm thanh và hình ảnh để khán giả trẻ hình dung được hồi xưa người ta ca cải lương như thế nào, rồi bắt đầu ca diễn cải lương thành môn nghệ thuật sân khấu ra sao. Những soạn giả và nghệ sĩ tài danh được xướng tên ào ào, thiếu trân trọng. Hình như chỉ những ai có mặt mới được đọc tên, còn bao nhiêu nghệ sĩ tài danh đáng kính nữa đóng góp rất lớn cho cải lương mà không thấy nhắc: Văn Chung, Út Bạch Lan, Thành Được, Phượng Liên, Diệp Lang, Hùng Cường...”.
Còn rất nhiều nghệ sĩ được khán giả nhắc tên vì thiếu ở chương trình này như Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Nam, Vũ Linh, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng, Thanh Ngân... Có rất nhiều ông bà bầu, nghệ sĩ, họa sĩ, người làm phục trang… trước và sau năm 1975 sau đêm lễ đã rất buồn, nói họ không được nhắc tới. Mảng cải lương Hồ Quảng, một nhánh quan trọng của cải lương Việt Nam với những đoàn hát tiên phong như Khánh Hồng - Minh Tơ, cũng không được nhắc nhở.
Bởi với cách làm vinh danh, nhắc lại lịch sử cải lương chỉ bằng cách nêu tên từng người một từ lớn đến nhỏ thì vừa không khoa học, đầy đủ, dễ hiểu mà còn chắc chắn sẽ thiếu rất nhiều. Thiếu thì nghệ sĩ dễ vui-buồn vì ai cũng có, tại sao mình không có. So đo người này hơn không có, người kia kém lại có. Còn khán giả thì bực bội vì thiếu nhiều nghệ sĩ họ quan tâm, hâm mộ, xứng đáng được vinh danh.
Khán giả mong muốn được xem trọn một tuồng cải lương đủ đầy hơn là những trích đoạn như xem đại nhạc hội. Ảnh: CTV
Không đủ níu chân khán giả
Không thể phủ nhận chương trình kỷ niệm “100 năm sân khấu cải lương” (trong hai ngày 13 và 14-1) của TP.HCM có hình thức rất hoành tráng, bắt mắt. Chương trình cũng quy tụ được đông đảo lực lượng nghệ sĩ cải lương tên tuổi hiện nay tạo nên một không khí sôi động. Khán giả lại luôn dành sự quan tâm, yêu mến to lớn cho cải lương nên hào hứng đón đợi. Tuy nhiên, sau cảm giác háo hức ban đầu là sự hụt hẫng.
Sau ngày đầu chen chúc, háo hức, đến ngày thứ hai, sân khấu biểu diễn của chương trình đã sụt giảm lượng khán giả nghiêm trọng dù số nghệ sĩ nổi tiếng tham gia vẫn rất nhiều, khán giả lại được dành chỗ cho xem thoải mái hơn. Chưa đến 21 giờ đêm khán giả đã vắng dần, rồi còn không đến một nửa.
Khán giả Việt An cho rằng mình đã rất háo hức đón xem các nghệ sĩ tài danh như Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Tuấn Thanh, Thanh Kim Huệ… nhưng sự xuất hiện chóng vánh của họ ở những màn ca tập thể không thỏa mãn được cô. Cô mong được xem những nghệ sĩ tài danh này ca diễn trong một vở tuồng trọn vẹn ở một dịp như thế này để thỏa lòng mong đợi. Hai bạn trẻ Minh An, Thanh Tuấn đi từ Thủ Dầu Một, Bình Dương lên xem vì ái mộ Vũ Luân cũng nói họ thất vọng với một chương trình biểu diễn những bài ca lẻ, những trích đoạn quen thuộc như xem đại nhạc hội hay game show.
Riêng về phần trưng bày hình ảnh, hiện vật cải lương trên phố đi bộ tuy hình thức sang trọng, bắt mắt nhưng nội dung không hấp dẫn với khán giả. Mảng ảnh đen trắng trước năm 1975 ở triển lãm này khá ổn vì là tư liệu có sẵn. Tuy nhiên, mảng ảnh sau năm 1975 lại khá nghèo nàn quanh những hoạt động hay vở diễn của Hội Sân khấu TP.HCM. Nếu dụng công hơn có thể tìm đến kho ảnh của cố nhiếp ảnh sân khấu Minh Châu, của cố nhiếp ảnh Minh Hoàng sẽ có rất nhiều hình ảnh đẹp của những vở diễn ăn khách, nổi tiếng với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi mà công chúng quan tâm.
Khán giả cải lương đang cần có cải lương hay để xem. 100 năm cải lương, khán giả càng mong muốn có cải lương hay để xem chứ không mong chờ xem lễ lạt hình thức.
Nhìn lại các hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, người trong nghề, nghệ sĩ bày tỏ cái cần nhất vẫn là kịch bản cải lương hay và một nhà hát tử tế cho nghệ sĩ có chỗ diễn với giá thuê chấp nhận được. Còn với khán giả, chỉ cần hai đêm diễn cải lương trọn tuồng thật hay với sự tham gia của các nghệ sĩ cải lương ngôi sao gạo cội, diễn miễn phí cho khán giả coi thỏa thích là đầy đủ ý nghĩa nhất. |