“Không chỉ là một người mẹ, một người thầy đã dẫn dắt tôi vào nghề và làm nên tên tuổi NSND Kim Cương như ngày hôm nay. Má còn là một người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ luôn ở bên tôi cùng hưởng những buồn vui đời nghệ sĩ và hầu như đi suốt quãng đời nghệ thuật của tôi.” NSND Kim Cương nhớ về mẹ.
Giới trẻ ngày nay có lẽ chỉ được biết NSND Bảy Nam qua sách vở, qua những vở kịch mà bà viết kịch bản, dàn dựng... bởi bà đã qua đời từ khá lâu. Họ cũng không có nhiều dịp được chứng kiến NSND Bảy Nam trổ tài trên sân khấu bởi năm 2004, khi mất bà đã 94 tuổi và vì có nhiều bệnh tật nên NSND Kim Cương đã ngăn cản, không cho mẹ lên sân khấu biểu diễn nữa từ khá lâu.
Cuộc đời của NSND Bảy Nam đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật cải lương, bà không chỉ là một diễn viên nổi tiếng với những vai diễn lớn, ám ảnh, như: Đào Tam Xuân, Lý Nhu (vở Phụng Nghi Đình), Tiêu Anh Phụng (vở Tiêu Anh Phụng loạn trào), Ngọc Dung (vở Phấn hậu cung)… Mà còn là tác giả của gần 20 vở cải lương nổi tiếng như: “Nỗi đau lòng mẹ”, “Lê Lợi khởi nghĩa”, “Gươm vàng máu đỏ”, “Tiêu Anh Phụng loạn trào”, “Phấn hậu cung”, “Người đàn bà Việt Nam”... nhưng có lẽ “thành quả” lớn nhất, quan trọng nhất và đáng tự hào nhất mà NSND Bảy Nam có được chính là những đứa con, đặc biệt nhất là “cô 3” Kim Cương. (NSND Kim Cương có một người anh là danh hài Ngọc Trai và một người em gái tên là Kim Quang. Tuy sinh thứ 2 nhưng theo ngôn ngữ miền Nam, NSND Kim Cương được gọi là “chị 3 hoặc cô 3”. – PV)
“Má thương con, thì con phải thương má là điều bình thường, không có gì ghê gớm cả. Má là trên hết là đấng sinh thành, ngoài ra má còn là người thầy lớn của tôi. Tất cả những việc lớn nhỏ, nhất là sự nghiệp sân khấu của tôi đều có dấu ấn sâu đậm của má. Khi có ai đó hỏi má rằng tác phẩm nào của má mà má ưng ý nhất, thì má tự hào trả lời: đó chính là Kim Cương.” NSND Kim Cương tự hào.
NSND Kim Cương chia sẻ, bà học hỏi ở má rất nhiều bởi bà hầu như luôn luôn được ở ngay bên cạnh má. Những ngày má còn sống, năm nào đến tết, bà cũng đều sang thăm và mừng tuổi má. Bởi bà rất yêu thương má nên khi má Bảy Nam mất, NSND Kim Cương bị hụt hẫng cả năm trời, “những tết sau này, tôi thường ôm bàn thờ khóc vì nhớ má”.
Hồi mới vào nghề, dưới bàn tay nhào nặn của mẹ, cô bé Kim Cương đã có những vai diễn đầu tay từ khi còn rất nhỏ. Vai diễn Na Tra của Kim Cương trong vở Na Tra lóc thịt do chính NSND Bảy Nam viết kịch bản được coi là dấu ấn đầu tiên của Kim Cương trong làng cải lương.
“Từ trong bụng mẹ, tôi đã được sống trong tiếng nhạc lời ca của nghệ thuật cải lương khi Đoàn Đại Phước Cương lưu diễn từ Nam ra Bắc. (Đại Phước Cương là đoàn hát do chính chồng của NSND Bảy Nam, cha NSND Kim Cương làm chủ - PV). Sau lớn lên một chút, má tôi uốn nắt tôi từng chút, má rất thương con nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc. Má nói làm nghệ thuật mà dễ dãi là không tôn trọng tổ nghiệp, không tôn trọng khán giả, thì sẽ không sống với nghề được.” NSND Kim Cương chia sẻ về bài học “đạo đức nghề” đầu tiên mà má dạy mình.
Nhiếp ảnh Xuân Anh cùng NSND Kim Cương
Là người tự mình lập gánh hát từ năm 19 tuổi, bà Bảy Nam đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trong đời. Gánh Nam Hưng của bà hồi đó đã phải chạy lên tận biên giới Việt – Miên để hát cho công nhân đồn điền cao su nhưng anh em nghệ sĩ vẫn không nề hà. Hồi đó khó khăn, nhưng ở đâu có khán giả thì ở đó nghệ sĩ vẫn biểu diễn hết mình bởi: “Làm nghệ thuật là phục vụ công chúng, phục vụ khán giả bằng cái tâm, không chạy theo sự nổi danh, tiền bạc” NSND Kim Cương nhớ lại lời má dặn.
Có lần một khán giả nói với Kim Cương rằng: “Sau khi xem vở Lá sầu riêng, con sẽ không bao giờ bỏ mẹ mình”. Điều đó làm NSND Kim Cương rất hạnh phúc bởi vở diễn của mình đã góp một phần giáo dục cách sống của con người nhất là giới trẻ. “Má dặn tôi là luôn phải luôn nghiêm túc khi đứng trên sân khấu vì đối với gia đình mình, sân khấu không phải là nghề mà là đạo. Là nghệ sĩ, muốn diễn hay, viết tốt phải có tâm hồn, và tôi may mắn là có được tâm hồn nhạy cảm nên dễ đồng cảm với nỗi đau con người".