Mỗi người một cảm xúc nhưng tựu trung lại họ đều có cái nhìn của người trong cuộc khi những ngày lịch sử cả nước tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Họ ghi nhận tất cả những sự kiện lịch sử của "mùa xuân đầu tiên" và những năm sau giải phóng.
Tổng duyệt mít tinh chào mừng Lễ 30-4 - Ảnh Huỳnh Trí Dũng
Ngày 30-4 ghi đậm dấu ấn trong lòng mỗi nhà văn khi “vui sao nước mắt lại trào”. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhớ lại qua bài viết "Những cơn mưa như lửa cháy không tàn": “Buổi sáng 30-4 trôi qua trong chầm chậm tiếng súng vọng về từ khu vực trại Hoàng Hoa Thám”. Từ hướng nhà thờ Ba Chuông ba chiếc xe tăng T59 với vòng lá ngụy trang nhả khói tiến về phía trước. “Từ trong những ngôi nhà mặt tiền những ánh mắt lo âu dường như dịu lại, cửa đã mở ra he hé, nhìn ra, thấy yên lặng, họ lại lặng lẽ đóng sập cửa lại, chờ đợi. Cho đến khi tiếng loa phát thanh lưu động của lực lượng nổi dậy tại chỗ vang lên kêu gọi người dân mở cửa đón chào quân Giải phóng…”.
Ba mươi tháng Tư khép lại vĩnh viễn để mở ra một chiều cao bất tận, chiều cao của một lý tưởng sống đẹp, và sức sống ấy vươn tỏa tùy theo tiềm lực cùng với năng lực của dân tộc này” - nhận định của nhà văn Vũ Hạnh qua bài "Sự đa chiều của một ngày lễ lớn".
Tổng duyệt mít tinh chào mừng Lễ 30-4 - Ảnh Huỳnh Trí Dũng
Cũng có những nhà văn vẫn còn dạt dào cảm xúc những ngày sau giải phóng như vẫn còn nguyên vẹn trong họ. Nhà thơ Lê Quang Trang bồi hồi: "Đôi khi cũng nghe lòng một chút gió thoảng bâng khuâng… Nghe 40 năm, ngắn ngủi mà dài dặc. Tôi cứ vẩn vơ ngẫm nghĩ mãi về cái kỷ niệm thật nhỏ, như sợi tơ lòng mỏng mảnh, giăng theo bao dặm dài đất nước, theo thời gian gần mười lăm ngàn ngày, kết nối bao tâm tư, liên quan bao số phận, nhưng nhờ sự nâng niu, trân trọng và gìn giữ, để bây giờ ngân mãi về một âm vang tình người (Tơ lòng mỏng mảnh).
"Mới đó đã tròn bốn mươi năm. Bốn mươi năm, biết bao đổi thay đã diễn ra trên thành phố mang tên Bác kính yêu. Có điều, những kỷ niệm ngày đầu giải phóng 30 tháng tư năm 1975 thì không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm tôi" (Ngày ấy ở ven đô- Khuynh Diệp).
Nhà thơ Vũ Ân Thy: "Mỗi người một số phận, nhưng trong chiến tranh, qua chiến tranh, số phận mỗi người lãi giống nhau. Đó là nỗi niềm sum họp.
Bạn bè tôi, thế hệ của chúng tôi ra trận tươi trẻ, sôi nổi, nhiệt tình. Yêu cuộc sống, biết chắt chiu hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc.
… Bây giờ, mỗi người một nơi. Nhớ nhau nhiều mà đến thăm nhau khổ quá… (Ừ nhỉ, đã 40 năm rồi).