Câu chuyện tài xế taxi sát hại nữ sinh ĐH Huế trên đường cô đi làm công tác giám thị tại cụm coi thi Hà Tĩnh khiến nhiều người lo ngại: Làm thế nào thoát hiểm khi gặp lái xe là kẻ gian? Bạn đọc hãy cùng đưa ra hiến kế tại địa chỉ baophapluat@phapluattp.vn hoặc plo@phapluattp.vn.
Nhắn cho người thân chi tiết chuyến xe
Theo kinh nghiệm của tôi, khi bước lên taxi, việc đầu tiên phải làm là nhìn số hiệu xe, họ tên tài xế, số hiệu tài xế, nói chung là thông tin về chiếc xe và tài xế. Sau đó, hoặc khéo léo chụp lại, hoặc soạn sẵn tin nhắn chi tiết tài xế, số xe, chuyến xe... Trên đường đi, nếu cảm thấy có gì đó không ổn thì gửi thông tin đó cho người thân hoặc bạn bè ngay. Tốt nhất nên đặt xe qua tổng đài, vì bây giờ tình trạng xe dù đội lốt xe hãng nhiều lắm. Khi gặp điều không vừa ý, nên yêu cầu dừng ngay xe lại và xuống xe. Nếu tài xế vẫn ngoan cố chạy thì vừa gửi thông tin như đã nói, vừa gọi lại cho tổng đài thông báo sự việc. Hãy báo luôn cho tài xế biết rằng tên và thông tin của hắn đã được mình gửi đi. Tôi nghĩ là khi đối tượng biết rằng thông tin cá nhân đã bị gửi đi thì không dám làm gì nữa đâu.
NGUYỄN HOÀNG THUẬN (Quận 9, TP.HCM)
Tri hô kêu cứu ngay
Bản thân tôi khi đi taxi, trước hết sẽ trò chuyện đôi ba câu với tài xế để phần nào nhận định được tính cách tài xế, nếu thấy an toàn thì đi tiếp, thấy bất an thì đi một đoạn ngắn rồi xuống xe. Nếu tài xế đi vòng, không đúng con đường mình mong muốn, nên hỏi tài xế ngay, thấy khả nghi và bản thân có thể gặp nguy hiểm thì khéo léo liên hệ gấp với người thân hoặc tri hô kêu cứu nếu thấy có người qua lại trên đường.
TRƯƠNG THỊ TRÚC GIANG (TP Vũng Tàu)
Tránh lệ thuộc tài xế
Trước kia tôi đi taxi gặp phải tài xế tự xưng từng là giang hồ, ban đầu người đó chạy lạng lách nên tôi bảo chạy từ từ thôi, người này vẫn chạy nhanh và dùng lời thô tục chửi những người cản đường. Đoạn, anh ta nói với tôi: “Mấy thằng này mà gặp em chừng năm năm trước thôi là em… chém”. Tôi sợ quá nên… im luôn. Bây giờ khi có việc phải đi taxi thì tôi luôn quan sát thái độ của tài xế. Cần tìm hiểu trước đường đi, biết tài xế chạy lòng vòng thì bình tĩnh buộc phải chạy theo ý mình. Quan trọng là bản thân mình phải làm chủ được tình hình chứ đừng nên lệ thuộc vào tài xế.
HUỲNH LÊ YẾN TRINH (Joni…@yahoo.com)
Không mải mê điện thoại
Trong quá trình di chuyển nên chú ý quan sát tài xế taxi, xem xét họ có biểu hiện gì lạ hay không. Không nên chỉ chú tâm vào điện thoại, làm việc riêng. Trường hợp tài xế không chạy đúng đường, chạy vào nơi vắng vẻ thì nên chất vấn người tài xế. Khi phát hiện khả năng nguy hiểm, nhanh chóng yêu cầu dừng xe, tìm cách thoát khỏi xe. Trường hợp yêu cầu nhưng tài xế vẫn bất chấp thì lần lượt thử các cách như: tự mở cửa, tìm vật cứng phá vỡ kính xe, la to nhờ sự giúp đỡ, nhắn tin cho người thân và gọi điện thoại cho cơ quan công an. Mỗi người chúng ta nên tự chuẩn bị cho bản thân những số liên lạc khẩn cấp để phòng trường hợp “hoảng quá hóa loạn”.
NGUYỄN QUANG KHÁNH (Sinh viên ĐH An ninh Nhân dân, TP.HCM)
Đừng quên chiếc kính chiếu hậu
Khi đi taxi một mình, nên ngồi ghế sau, sát cửa, luôn hướng mắt nhìn tài xế. Hãy nhìn lên cái kính nhỏ trên đầu tài xế để quan sát trạng thái của tài xế, xem anh ta có lấm lét nhìn mình không, có vẻ gian gian hay không. Nếu phát hiện tài xế hay liếc trộm thì lập tức yêu cầu dừng xe lại hoặc móc điện thoại gọi cho bạn bè nói to giọng với thái độ “dữ dằn” chút, kêu họ tới đón mình và lập tức bước xuống xe không nên đi tiếp. Tuyệt đối không tiếp tục đi xe trong trạng thái linh cảm thấy chuyện chẳng lành mà vẫn cố.
NGUYỄN HÀ VÂN (Quận Thủ Đức, TP.HCM)
Những điều cần nhớ Lựa chọn các hãng taxi uy tín, không đi xe dù. - Ăn mặc kín đáo. Không đeo các trang sức đắt tiền để tránh kích thích lòng tham. - Thủ sẵn vài “Vũ khi” phòng thân như kéo, lược nhọn, nước hoa xịt vào mắt… - Điện thoại luôn để nút gọi 113 khi phát hiện tài xế có ý đồ. - Không ngồi ở băng ghế trước. Luôn quan sát kính chiếu hậu. - Khi vừa lên xe, nên chủ động gọi cho người thân biết đang đi xe hãng nào, số xe... - Biết và khai thác các điểm yếu trên cơ thể của kẻ xấu: Yết hầu, mắt, bẹ sườn và hạ bộ. Chuyên gia Tâm lý HUỲNH ANH BÌNH (Giám đốc Trung tâm Hướng Nghiệp & Bồi dưỡng Kỹ Năng Sống – Giá Trị Sống TP.HCM) |