Thế nhưng rời cái nôi Khánh Hòa thì Lâm Ti Phông thường rất nhạt nhòa và “cô đơn”.
Theo dõi Lâm Ti Phông xuyên suốt chiều dài từ lứa U-17 Khánh Hòa từng vô địch quốc gia và những lần đối đầu giữa Sanna Khánh Hòa với HA Gia Lai thì đội của Lâm Ti Phông thường xuyên “xỏ mũi” lứa học viên đầu của HA Gia Lai nhiều lần.
Lâm Ti Phông hội tụ đủ phẩm chất của một tiền đạo hiện đại, to, cao, khỏe, sức rướn tốt và nhạy ghi bàn. Nhìn cách thể hiện của Lâm Ti Phông na ná giống tiền đạo Chenrop Samphaodi của U-22 Thái Lan vậy. Anh còn giỏi tranh chấp tay đôi với hậu vệ đối phương nữa. Từ thời HLV Miura đến HLV Nguyễn Hữu Thắng và HLV tạm quyền Mai Đức Chung, Lâm Ti Phông đều có suất lên tuyển (lẫn U-22) nhưng cứ đến đây rồi lại làm “lính kiểng” chứ ít được tin dùng.
Lâm Ti Phông (trái) ở đội tuyển luôn là “lính kiểng”. Ảnh: HUY PHẠM
Đó là một bất công vì nếu Lâm Ti Phông được đối xử công bằng hơn thì có thể anh đã có suất của nhiều cầu thủ ít tố chất hơn anh nhưng lại được “cưng chiều” hơn.
Giữa lúc các tiền đạo U-23 Việt Nam và tuyển Việt Nam đang bế tắc trong việc tìm người chơi đột biến thì tại sao không thử tạo điều kiện cho Lâm Ti Phông? Khi những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Tài, Hà Đức Chinh hay Mạc Hồng Quân không thấy có sự đột biến ở hàng công thì nên trao cho Lâm Ti Phông cơ hội hơn là “dìm hàng” cầu thủ này.
Đừng để giới chuyên môn cứ mang suy nghĩ lên tuyển là phải có dây có cánh.