Ngày 13-2 (mùng 6 Tết), người dân làng Ném Thượng tổ chức lễ rước lợn và chém lợn ở sân đình để làm cỗ ngọc tế Thánh. Đúng 9 giờ sáng, nghi thức rước lợn quanh làng chính thức bắt đầu. Đến 11 giờ hai "ông ỉn" được đưa quay trở lại sân đình. Sau đó, hai “ông lợn” được người dân và các thủ đao đưa vào khu vực làm cỗ ngọc tế Thành hoàng làng.
Khác với mọi năm, năm nay việc chém lợn ở đây không còn diễn ra công khai giữa sân đình mà được thực hiện ở phía sân bên trái. Khu vực chém hai “ông ỉn” được dựng rạp quây bạt kín, chỉ có một số cụ bô lão trong làng và hai thủ đao cùng các cán bộ của địa phương được vào trong, còn lại người dân không được phép vào chứng kiến việc chém lợn.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCMqua điện thoại, ông Nguyễn Đình Lợi, phó ban tổ chức lễ hội, cho biết sau khi có ý kiến của tỉnh, thành phố, chính quyền địa phương cùng các chức sắc trong làng đã nhiều lần họp bàn việc chém lợn.
“Lúc đầu các cụ trong làng bày tỏ quan điểm vẫn là giữ nguyên nghi lễ chém lợn giữa sân đình như từ trước đến nay vẫn làm. Tuy nhiên, có ý kiến của lãnh đạo chính quyền tỉnh, thành phố, địa phương các cụ đã thống nhất không thực hiện nghi lễ chém lợn giữa sân đình nữa” – ông Lợi nói.
Lễ hội làng Ném Thượng với tục chém lợn nhằm phản ánh lại việc danh tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân. Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai. Hình ảnh chém lợn giữa sân đình đã có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chém lợn giữa sân đình là dã man và bạo lực.
Năm 2015, dù Tổ chức Động vật châu Á và Bộ VH-TT&DL lên tiếng phản đối mạnh mẽ và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có nhiều biện pháp, nhưng các cụ bô lão Ném Thượng vẫn kiên quyết khai đao chém lợn ngay giữa sân đình.