Sáng 31-10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đến đối thoại với người dân tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Người dân Khánh Sơn tố khổ tại buổi đối thoại. Ảnh: LÊ PHI
Đây là khu vực gây ô nhiễm trong 24 năm qua khiến người dân bức xúc. Mới đây nhất, ông Nguyễn Xuân Anh sau khi nhậm chức bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đến thị sát vì người dân chặn xe, bao vây khu vực xử lý rác của TP Đà Nẵng.
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Thành (tổ 162), tố: 24 năm qua chúng tôi phải sống chung với rác, ăn ở chung với ruồi muỗi. Sau bãi rác tiếp đến là hai lò đốt rác thải y tế, rồi Công ty Quốc Việt, thông hầm cầu của TP cũng đưa lên đây. Công ty Ánh Dương đốt rác ô nhiễm không chịu nổi. Giờ đây thêm Công ty Môi truờng đô thị Việt Nam đốt qua ống khói như cháy rừng, chúng tôi không chịu nổi nữa. "Đà Nẵng có cầu đi bộ, có cầu tình yêu, môi trường trong lành... riêng dân Khánh Sơn chúng tôi chỉ xin được hơi thở trong lành...
Còn bà Hồ Thị Hiệp thì nói: Khi đưa bãi rác lên, các anh cam kết 100% không thúi, hôi nhưng đến bây giờ khác xa, chúng tôi phải đón xe.
"Công ty Môi truờng đô thị Việt Nam có thù vặt gì dân chúng tôi không mà gây khổ cho chúng tôi thế, dọn cơm ra ăn cũng không được vì hôi? Chúng tôi đề nghị TP chia bãi rác, nhà máy xử lý rác ô nhiễm ra để cả TP này ai cũng có phần để hưởng chứ chúng tôi hưởng một mình, chịu không nổi nữa rồi" - bà Hiệp đề nghị.
Trước sự phẫn nộ của người dân, ông Dương Thành Thị (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) trấn an: "Người dân cứ bình tĩnh trình bày để các cơ quan chức năng lắng nghe để tìm hướng giải quyết".
Bà Nguyễn Thị Học lo lắng: Các anh nói nhưng không làm, để mặc dân chúng tôi gánh chịu hậu quả.
Bà Nguyễn Thị Đa thì nói: “Hãy trả lại bầu không khí, nguồn nước cho chúng tôi. Chúng tôi không thể tiếp tục sống để rồi chết vì ung thư, trẻ em nghẹt thở, đau đầu, tức ngực”.
Trước bức xúc của người dân, ông Nguyễn Điểu (Giám đốc Sở TN&MT) hứa: “Thời gian tới chúng tôi sẽ cùng bà con giám sát chặt chẽ liên tục bãi rác và các nhà máy xử lý rác, nước thải. Nếu họ tiếp tục vi phạm, gây ô nhiễm sẽ buộc đình chỉ và đóng cửa nhà máy” - ông Điểu cam kết.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi đối thoại. Ảnh: LÊ PHI
Ông Dương Thành Thị (Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu) chia sẻ sự chịu đựng, bức xúc của người dân trong thời quan là rất chính đáng.
Ông cho hay: "Ban đầu các công ty nói sẽ đầu tư xử lý rác khép kín, quận rất mừng nhưng không ngờ họ lại làm ăn gây ô nhiễm ở Khánh Sơn như thế. Chúng tôi phải cử cả cán bộ về ăn ở cùng người dân, thực tế rất là ô nhiễm".
Ông Lương Nguyễn Minh Triết (Bí thư Quận ủy Liên Chiểu) đề nghị TP giám sát chặt chẽ, yêu cầu bãi rác và các công ty xử lý rác, nước thải tại Khánh Sơn phải làm đúng quy trình.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho hay các ý kiến của người dân là rất xác đáng. “Trước sự bức xúc này, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã liên tục ký ba văn bản yêu cầu xử lý bức xúc của người dân bãi rác Khánh Sơn. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng và các công ty quản lý bãi rác, xử lý rác thải phải nghiêm túc thực hiện đảm bảo môi trường nếu không thực hiện nghiêm túc sẽ đóng cửa và TP sẽ buộc các công ty ngừng hoạt động".
“Đề nghị Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các công ty xử lý rác trên và bãi rác. Các công ty trên phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của TP. Đồng thời thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động của bãi rác và các công ty xử lý rác. Khi người dân có phản ánh qua đường dây nóng thì lập tức có mặt xử lý ngay” - ông Tuấn chỉ đạo.
Cũng theo ông Tuấn, nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2018 toàn bộ bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa. Lúc đó TP sẽ tiến hành khôi phục lại môi trường, thu gom nước rỉ và trồng cây xanh tại đây.