Lao động xuất khẩu phải đóng hai lần bảo hiểm

Nghị định 115/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc yêu cầu từ 1-1-2016, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc.

quy định này đang bị người lao động và doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động xuất khẩu phản ứng, đồng thời rất khó khả thi trong thực tế. Nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ như mức thu như thế nào, cấp sổ BHXH ra sao? Tại sao người lao động phải đóng BHXH trong khi họ đã đóng bảo hiểm ở nơi đang làm việc?

Tăng gánh nặng chi phí

tháng 11-2015, chị Ngô Thị Thanh (quê Nghệ An), đã được DN Nhật tuyển sang Nhật làm việc trong ngành nông nghiệp. Hiện chị đang học tiếng Nhật để chờ xuất cảnh vào tháng 4-2016. Trò chuyện với chị về khoản BHXH bắt buộc đối với người xuất khẩu lao động (XKLĐ) khi xuất cảnh, chị lo lắng: “Ở quê không có việc làm, con còn nhỏ nên tôi tranh thủ xuất ngoại kiếm chút tiền lo cho con cái học hành sau này. Tổng chi phí tính sơ bộ mất khoảng 140 triệu đồng, trong đó khoản lớn nhất là 5.000 USD tiền phí, các khoản còn lại gồm tiền học tiếng, chi phí sinh hoạt, làm hộ chiếu… Trong bản hợp đồng đã ký sau khi đã trừ các khoản tiền ăn, điện, nước và các loại bảo hiểm, thu nhập còn lại khoảng 15 triệu đồng/tháng”.

Theo chị Thanh, với hợp đồng ba năm, chị được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, BHYT... Chị nhẩm tính nếu công việc suôn sẻ, có thời gian tăng ca, không bị đau ốm thì mất gần một năm rưỡi mới trả hết chi phí đã bỏ ra. “Khoản tiền này phải đi vay mượn nhiều nơi mới đủ. Nếu tăng thêm tiền BHXH bắt buộc trước khi xuất cảnh, gia đình tôi không kham nổi” - chị nói.


Người lao động trúng tuyển sang Nhật làm việc trong ngành trang trí nội thất. Ảnh: P.ĐIỀN

Anh Phạm Ngọc Tình có ba năm làm việc trong ngành xây dựng tại Tokyo đã về nước, hiện đang làm thủ tục gửi sang Nhật để nhận các khoản tiền bảo hiểm theo quy định của nước sở tại. Anh chia sẻ: “Hiện đồng yen đang xuống thấp, thu nhập của người lao động tại Nhật giảm đáng kể. Trong khi các loại phí XKLĐ không giảm, khoảng 4.500-5.000 USD/người, chưa kể các khoản học tiếng, chi phí ăn ở đắt đỏ. Theo quy định mới, người lao động bắt buộc tham gia BHXH là tăng thêm gánh nặng. Tôi thấy rất bất hợp lý vì chủ sử dụng nước sở tại đã trích tiền lương đóng BHXH cho người lao động”. Anh Tình cho biết các khoản bảo hiểm anh đang làm thủ tục thanh toán với phía Nhật sau ba năm làm việc được khoảng 80 triệu đồng.

Người lao động oằn vai

Đây là ý kiến của các DN XKLĐ về việc triển khai thu BHXH bắt buộc đối với người XKLĐ. Các DN này cho rằng chiếu theo quy định họ vẫn thu được khoản BHXH bắt buộc này vì nắm đằng chuôi. Ngược lại người lao động sẽ rất ấm ức vì tăng thêm các khoản thu, chưa kể các trường hợp đã phỏng vấn trúng tuyển lúc trước chưa đề cập đến khoản BHXH bắt buộc trong nước, nay đùng cái đưa vào điều khoản mới sẽ khiến họ phản ứng.

Ngoài ra, các DN cũng cho rằng chỉ còn nửa tháng nữa quy định có hiệu lực nhưng họ vẫn chưa được thông tin, hướng dẫn cách thức thực hiện các điều khoản này.

Bà DTC, Giám đốc điều hành một DN XKLĐ tại TP.HCM, chia sẻ đa phần người có nhu cầu XKLĐ là lao động nghèo ở nông thôn, khó khăn tìm việc làm, họ mới tìm đường đi XKLĐ để cải thiện thu nhập, kiếm tiền cho con cái ăn học. Nếu buộc đóng BHXH lần nữa là tăng thêm chi phí, nguồn lao động tuyển dụng sẽ càng khó khăn.

Theo bà C., với phí xuất cảnh từ 4.500 USD trở lên chưa kể các khoản ăn ở, sinh hoạt… cộng thêm khoản BHXH buộc họ phải vay thêm, khoản này có đưa vào chính sách cho vay ưu đãi đối với người XKLĐ hay không? “Người XKLĐ khi đến các nước sở tại, công ty sử dụng lao động bắt buộc phải đóng các khoản liên quan đến BHXH, BHYT… với số tiền hàng chục triệu đồng. Buộc người lao động tham gia BHXH trong nước trước khi xuất cảnh là không cần thiết” - bà C. phân tích.

Phải làm rõ mới triển khai

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết Cục cần làm rõ thêm một số nội dung còn lấn cấn như cách thức thu, cấp sổ BHXH… với Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), sau đó mới có thông tư hướng dẫn. Qua đó, Cục mới có văn bản triển khai về các DN XKLĐ.

Người lao động có phải đóng BHXH bắt buộc hai lần hay không? Vì sao chỉ thu BHXH một phía người lao động, như vậy họ quan hệ lao động với ai? Tại sao không có phần thu của chủ sử dụng lao động? “Thực ra chủ sử dụng lao động ở các nước sở tại chỉ đóng BHYT, bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Còn BHXH bắt buộc liên quan đến chế độ hưu trí, tử tuất, an sinh đối với người lao động khi hết hạn về nước. Đây là khoản bắt buộc nên sẽ có chế tài đi kèm” - ông Quỳnh giải thích.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho hay BHXH chưa có hướng dẫn thực hiện nên chưa biết đánh giá hiệu quả như thế nào. Theo ông Được, quy định này không chỉ áp dụng đối với người đã tham gia BHXH mà còn mở rộng đối với người chưa tham gia BHXH. Do đó cần làm rõ các vấn đề như việc thu như thế nào, cấp sổ ra sao, ốm đau giải quyết như thế nào… thì mới triển khai thực hiện được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm