Lão mai của ông Ba Đối

(PLO)-  Cây mai nhà ông Ba Đối sần sùi, gần gốc có những cái u như móng rồng rất lạ, tới mùa xuân hoa nở sáng bừng cả xóm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông là Nguyễn Văn Đối, sinh năm 1952 ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long, xóm giềng vẫn gọi là ông Ba Đối. Câu chuyện về cây mai nổi tiếng của ông cũng là câu chuyện cuộc đời.

Tôi quen biết ông từ 30 năm trước. Năm đó giữa tháng Chạp, tôi theo người bạn học là em trai út của ông về thăm nhà bạn ở Vĩnh Long. Chiều tà mới nhậu, mọi người đông đủ còn thiếu ông Ba. Lát chập tối ông mới qua khi mọi người đã uống được mấy ly. Ông cười hiền: “Tính qua sớm mà mấy cha con bận lặt lá mai”.

Nhậu say, hẹn ngày mai cà phê sáng, ông Ba nói ngày mai từ mờ sáng ba cha con ông phải ráng lặt lá mai để cuối ngày xong. Thấy ông Ba với hai thằng con lu bu vậy, tôi tò mò hỏi bờ rào nhà ông chắc trồng mấy chục gốc mai. Ông Ba nói ở đây mai bờ rào sức đâu lặt lá. Lặt có một gốc hà, tết nào cũng lặt lá mấy ngày mới xong.

Cây mai u lão, sần sùi, đặc biệt gần gốc nó có những cái u như móng rồng rất lạ. Cây mai nhà ông Ba tới mùa nở sáng bừng cả xóm, hoa to như cái khu chén, nhiều cánh, vàng bung, lá cành vâm váp và rất đều tán. Mùa khác, cả đám con nít đứa trải chiếu ngồi, đứa bắn bi dưới gốc mai mát rượi.

Nhiều lần khách xa về xóm chơi, có người nằn nì ông bán gốc mai cho họ, có người trả bạc trăm triệu. Ông Ba Đối dứt khoát không. Có nhiêu xài nhiêu, gốc mai để chơi, bán ăn cũng hết.

Cây mai ấy do cha ông Ba Đối trồng khi vào Cống Cây Gòn khẩn đất, tính đến nay đã ngoài 60 năm. Nó như một chứng nhân của xóm nhỏ này. Mùa mai đầu tiên nở từ khi ông Ba mới lớn, nó gợi nhớ những cái tết xưa chèo xuồng đi chợ trên dòng Phù Ly (một nhánh nhỏ của sông Hậu), nhớ mùa trai gái yêu nhau tỏ tình bằng câu hò đối đáp.

Lão mai của ông Ba Đối đã có hơn nửa thế kỷ trên đời, từ trước ngày ông cưới vợ về xóm Cây Gòn. Bao nhiêu mùa hoa, bấy nhiêu mùa đoàn tụ, những đứa con ông năm nào còn chơi dưới gốc mai, nay lớn lên và có vợ, có chồng rồi đến lượt những đứa cháu lại như thời cha mẹ chúng, đùa chơi dưới gốc mai. Gốc lão mai ấy vẫn vâm váp và tràn trề nhựa sống. Mỗi năm xuân về lại bung hoa vàng cả xóm Cây Gòn.

Cây mai của ông Ba Đối phủ tán trên một khoảng hơn 50 mét vuông đất và thơm lừng. Có năm về vào dịp tết, tôi hái cho người quen của mình ký hoa vừa mới nở để sao lên ngâm rượu hoa mai. Ông nói đi khắp miền Tây, uống khắp các loại rượu hoa mai, chưa rượu nào qua rượu ngâm hoa mai nhà ông.

Tôi hỏi ông Ba chắc cây mai này có tán rộng nhất miền Tây. Ông nói cũng hông biết nhưng ông sống ngần này tuổi cũng hông thương cây mai nào hơn cây mai nhà ông.

Mấy năm trước, ông Ba nghĩ giờ già rồi. Làm nông tới già thì cũng là ông nông dân. Dành dụm bao nhiêu lo cho con cái học hành hết rồi. Đứa nào làm nông thì ông chia đất, đất đâu có nở ra. Thành thử tới già vẫn hông dư dả nhiều. Giờ cái nhà cần xây lại để đủ chỗ cho đại gia đình, chỗ giỗ quảy ông bà mỗi năm mấy bận. Xong cái nhà nữa là khỏe re, chớ vất vả cả đời rồi.

Ông Ba nói với tôi: “Chú à, anh tính bán gốc mai để phụ vô chỗ tiền làm nhà. Thôi mình già, sức đâu lặt lá, chơi cây mai nhỏ hơn cũng được”.

Tôi rao lên Facebook, người ta hỏi tới tấp. Nói thiệt là trong mắt tôi, so với lão mai nhà ông, cây mai mấy chục tỉ đồng bữa giờ rần rần trên mạng cũng hông bằng.

Rồi người mua, rồi nhà báo, YouTuber kéo về xóm Cây Gòn. Cây mai nhà ông Ba trở nên nổi tiếng. Mỗi lần như vậy, ông Ba lại mời khách uống trà với kẹo chuối, mứt dừa, nhâm nhi ly rượu. Lại kể khách nghe lai lịch cây mai từ thuở ông già vào đây khẩn đất, lại nhớ ngày cưới nhau nghèo khó, lại nhớ bao nhiêu đứa con cháu vui đùa dưới cội mai này. Lão mai là chứng nhân đời ông từ thơ bé, cùng với nó đã bao nhiêu mùa tết nghèo khó cho đến đủ đầy. Sáng mùng 1 ra thắp hương lại nhớ cha già ngày xưa tóc bạc, khăn rằn, khấn hương linh tiên tổ. Lại nhớ khách làng trên xóm dưới cận tết là hỏi lóng rày lặt lá mai xong chưa; lại nhớ có năm ông nhức chân không trèo thang được nên mấy đứa em (có người gần thất thập) Tư Nhâm, Năm Thường, Bảy Hẳn, Tám Toàn, Út Hồng qua phụ. Tới tết là sáng bừng ngõ xóm bên con rạch.

Nghĩ rồi ông Ba không bán cây mai nữa. Mỗi lần kể cho khách nghe là mỗi lần ký ức sống dậy, ùa về. Cây mai giúp cái tết ấm áp hơn, cây mai là đầu câu chuyện ngày xưa ông nội khai khẩn xứ này. Chớ bán rồi, hông lẽ lại kể cho mọi người: “Ngày xưa ở đây có cây mai…”!?

Bao nhiêu mùa hoa, bấy nhiêu mùa đoàn tụ, những đứa con ông Ba Đối năm nào còn chơi dưới gốc mai, nay lớn lên và có vợ, có chồng rồi đến lượt những đứa cháu lại như thời cha mẹ chúng, vẫn đùa chơi dưới gốc mai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm