Sáng 24-12, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ đã khai mạc Hội thảo về Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) để lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương, các chuyên gia và đại diện 32 tỉnh, TP khu vực phía Nam. Đề án là một trong những cơ sở quan trọng cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp và các quy định hiện hành có liên quan về chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng cào bằng hiện nay trong tổ chức chính quyền địa phương (CQĐT cũng như nông thôn).
Các đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Đề án mô hình tổ chức CQĐT. Ảnh: MC
Lập Tòa thị chính?
Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đưa ra ba phương án tổ chức mô hình CQĐT. Trong đó, phương án 1: Tổ chức CQĐT gồm hai cấp hoàn chỉnh (có cả HĐND và UBND). Theo đó khu vực nội thành, nội thị của các đô thị chỉ có một cấp chính quyền hoàn chỉnh, không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính trực thuộc (quận, phường). Khu vực ngoại thành, ngoại thị chỉ tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện. ??ng l?u ?, ?Đáng lưu ý, ở quận, huyện, phường cũng không tổ chức UBND mà chỉ tổ chức ban đại diện hành chính để thực hiện các nhiệm vụ hành chính theo phân cấp và ủy quyền. Ban đại diện hành chính được tổ chức theo chế độ bổ nhiệm (trưởng ban do người đứng đầu cấp trên bổ nhiệm).
Riêng đối với Hà Nội và TP.HCM, do tính chất đặc biệt về vị trí và quy mô của hai TP này nên ngoài phương án trên, ban soạn thảo còn đưa ra mô hình chùm đô thị, trong đó có đô thị lõi và các đô thị trực thuộc (TP nhỏ trong TP lớn). Trên cơ sở đó, nghiên cứu áp dụng mô hình chính quyền hai cấp, gồm cấp TP và cấp TP trực thuộc. Trong đó, chính quyền các TP trực thuộc là cấp chính quyền cơ sở.
Phương án đột phá nhất do Bộ Nội vụ đưa ra chính là phương án 3: Tổ chức CQĐT theo mô hình thị trưởng. Theo đó thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn TP trực thuộc trung ương và TP, thị xã thuộc tỉnh là Tòa thị chính. Người đứng đầu Tòa thị chính là thị trưởng. Tòa thị chính là cơ quan hành chính của TP trực thuộc trung ương; là một hình thức của chính quyền địa phương, thuộc hệ thống hành pháp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng. Chế độ này nếu được thực hiện sẽ chuyển từ chế độ lãnh đạo tập thể của UBND hiện nay sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của thị trưởng (chế độ thủ trưởng hành chính). Thị trưởng có thể do cử tri TP bầu trực tiếp hoặc do HĐND TP bầu ra, chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân TP và trước HĐND về mọi hoạt động của bộ máy hành chính TP, chịu sự giám sát trực tiếp của HĐND và của nhân dân TP.
Lựa chọn: Cần mạnh dạn đổi mới
Hướng lựa chọn của bộ phận soạn thảo đề án và ý kiến của không ít nhà quản lý là nghiêng về phương án 1. Tuy nhiên, PGS-TS Trương Đắc Linh cho rằng đây là phương án đổi mới không triệt để. Còn tại sao nó được lựa chọn thì vì đây là phương án dễ chấp nhận nhất hiện nay, khi thực hiện sẽ không có sự xáo trộn nhiều về mặt tổ chức bộ máy, từ kết quả của việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chỉ cần mở rộng phạm vi ra là được.
Theo PGS-TS Trương Đắc Linh, cần phải có quyết tâm chính trị để đổi mới mạnh mẽ trong vấn đề tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Trong đó, CQĐT cần phải tổ chức theo hướng hiện đại để tăng hiệu quả quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trước ý kiến lo ngại áp dụng mô hình thị trưởng sẽ dồn quá nhiều quyền về cho người đứng đầu địa phương, dễ gây ra tình trạng địa phương cát cứ, trên bảo dưới không nghe, ông Linh cho rằng điều này có thể dự liệu và hạn chế được. Cụ thể, cần quy định rõ thẩm quyền của địa phương, tức những gì địa phương được làm và không được làm. Đồng thời, chính quyền trung ương vẫn nắm các quyền trọng yếu (quân đội, an ninh quốc phòng, tiền tệ,…). Song song đó, các công cụ kiểm soát đối với những gì đã phân cấp cho địa phương cần được tăng cường; các công cụ để dân thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình tại địa phương cần nâng cao hơn nữa.
Ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng ủng hộ TP.HCM thí điểm tổ chức CQĐT theo mô hình thị trưởng. Theo ông Tiến, TP.HCM có đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhân lực và kinh nghiệm để mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình CQĐT hiện đại. “Nếu theo phương án 1 thì TP.HCM phải “nghỉ giải lao” chờ các địa phương khác. Còn nếu mạnh dạn cho TP thí điểm theo phương án 3 sẽ giúp chúng ta có những kinh nghiệm tốt nhằm tổ chức mô hình CQĐT hiện đại về sau này” - ông Tiến nói như vậy khi trao đổi riêng với PV.
Kiên trì đề xuất mô hình chuỗi đô thị CQĐT TP.HCM cần được tổ chức theo hướng tăng tính tự chủ (tài chính, tổ chức bộ máy...), tăng thẩm quyền (trong một số lĩnh vực đặc trưng của quản lý đô thị như xử phạt hành chính, phòng, chống tội phạm,...) và đồng thời tăng trách nhiệm để TP.HCM quản lý tốt hơn nhằm phục vụ cho phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của TP. TP.HCM sẽ tiếp tục kiên trì đề xuất mô hình chuỗi đô thị và có nhiều đô thị trong một đô thị lớn. Theo đó, CQĐT TP.HCM được tổ chức gồm một cấp TP lớn (gồm 13 quận đã đô thị hóa hoàn chỉnh) và bốn TP trực thuộc khác (TP Đông, Tây, Nam, Bắc) là những khu đô thị mới hình thành và đang trong quá trình đô thị hóa. Mỗi khu đô thị này là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, trực thuộc CQĐT TP.HCM, được phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM LÊ MINH TRÍ |
MINH CƯỜNG