Một ngày sau thất bại ở cự ly 200 m nữ, Tú Chinh với thành tích 11”61 một lần nữa chỉ xếp thứ hai sau Kristina Knott (11”45) ở vòng đấu loại 100 m. Thế nên trước giờ xuất phát đợt chạy chung kết 100 m nữ, khi mà tưởng như mọi thứ đã được an bài thì cô gái 22 tuổi Lê Tú Chinh bất ngờ khiến những ai có mặt tại sân vận động Athletics New Lark City (Philippines) như nổ tung vì phấn kích.
Sau màn bứt tốc dũng mãnh vượt qua đối thủ số một tại mức đến đạt thành tích 11”54 (vượt thành tích SEA Games 29, 11”56) trong khi Knott đạt 11”55 kém thành tích vòng loại, Tú Chinh không tin mình là người về đích đầu tiên.
“Em rất bất ngờ với thành tích này, cả năm nay em không đạt được thành tích tốt đến như vậy. Sau khi bạn ấy tỏa sáng 200 m, em không áp lực gì, em tự nhủ rằng mình phải nỗ lực, cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo, không nghĩ mình là VĐV chạy nhanh nhất. Sau khi quan sát màn hình em mới biết mình về nhất”.
Để có được cú lội ngược dòng ngoạn mục này, Lê Tú Chinh khẳng định: “Em luôn nghĩ về màu cờ sắc áo của nước nhà”.
Tú Chinh (giữa) chiến thắng trước Kristina Knott tại mức đến, giữ vững danh hiệu “nữ hoàng tốc độ”. Ảnh: NGỌC DUNG
Với thầy ruột của Tú Chinh, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: “Chiến thắng đánh dấu nỗ lực của cô trò. Tôi tự hào vì Tú Chinh vẫn giữ được ngôi vị “nữ hoàng tốc độ”, sau khi trở thành VĐV người Việt Nam đánh bại đối thủ nhập tịch người Mỹ”.
Cuộc chiến giữa hai nữ VĐV chạy nhanh nhất SEA Games Lê Tú Chinh và Kristina Knott vẫn chưa dừng lại khi cả hai sẽ sát cánh cùng các đồng đội tranh chức vô địch nội dung chạy 4 x 100 m nữ tiếp sức, cự ly mà Tú Chinh, Yến Hoa, Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên đang là những nhà vô địch lẫn đương kim kỷ lục SEA Games.
Sau cú dạo đầu đầy tự hào của Tú Chinh, ngày 8-12 trở thành ngày bội thu “vàng” của điền kinh Việt Nam. Ở hai cự ly trung bình chạy 1.500 m nam và nữ, lần lượt Nguyễn Thị Oanh và Dương Văn Thái lập công. Tiếp đến, “cú đúp vàng” tiếp tục được Trần Nhật Hoàng và Nguyễn Thị Huyền giành được ở hai cự ly 400 m nam và nữ, khép lại ngày tranh tài thành công của điền kinh Việt Nam.
Môn bơi lội, kình ngư Ánh Viên đoạt chiếc HCV thứ sáu của riêng mình tại SEA Games 30 sau chiến thắng ở cự ly sở trường 400 m hỗn hợp nữ. Cùng góp vào thành công chung của môn bơi, kình ngư 16 tuổi Trần Hưng Nguyên thành tích 4’20”65, xuất sắc xô đổ kỷ lục 400 m hỗn hợp nam (kỷ lục cũ 4’22”12) được Nguyễn Hữu Kim Sơn (đoạt HCĐ) thiết lập năm 2017.
Môn bắn cung, cung thủ Lộc Thị Đào hoàn tất “hat trick vàng” cung một dây bao gồm các nội dung cá nhân nữ; đôi nam nữ (với Phi Anh Vũ) và đồng đội nữ (cùng Ánh Nguyệt và Nguyễn Thị Phương).
Sau nhiều kỳ SEA Games “trắng vàng” nội dung đối kháng.
Môn taekwondo bùng nổ với 2 HCV của các võ sĩ Phạm Thị Thu Hiền (62 kg) và Bạc Thị Khiêm (67 kg), góp phần đưa taekwondo vượt chỉ tiêu với 4 HCV.
Không kém cạnh taekwondo, các võ sĩ môn karate cũng đoạt liên tiếp 2 HCV đối kháng của Nguyễn Thanh Duy (hạng 60 kg) và đồng đội quyền nữ (kata) do Nguyễn Thị Phương, Lưu Thị Thu Uyên, Lê Thị Khánh Ly lập công.
Môn đấu kiếm, bộ tứ kiếm thủ Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến, Trương Trần Nhật Minh, Đặng Anh Tuấn xuất sắc đoạt HCV thứ tư nội dung đồng đội kiếm ba cạnh nam, vượt thành tích hai năm trước 1 HCV.
Môn muay nội dung đối kháng, võ sĩ Bùi Yến Ly giành HCV hạng 54 kg nữ.
Ở môn billiards, cơ thủ Ngô Đình Nại ngược dòng vượt qua đồng đội Phạm Cảnh Phúc, giành chức vô địch caroom một băng, kết thúc một ngày vàng bội thu của thể thao Việt Nam.
HCV bóng đá nữ đưa thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng Đêm 8-12, sau chiến thắng nghẹt thở trước Thái Lan của đội tuyển bóng đá nữ đã đưa đoàn Việt Nam chính thức vượt chỉ tiêu 65 HCV. Đây là lần thứ sáu đội tuyển nữ Việt Nam đăng quang ở đấu trường SEA Games, chính thức trở thành đội tuyển quốc gia giành nhiều HCV nhất tại các kỳ SEA Games. HCV bóng đá nữ đã chốt lại ngày bội thu vàng, giúp đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 66 HCV, 59 HCB, 78 HCĐ, giành lại ngôi nhì toàn đoàn sau hai ngày thuộc về Indonesia với đúng 1 HCV nhiều hơn. |