Lấy ý kiến cộng đồng dân cư: Trên 50% đồng ý là... thông qua

(PLO)- Các đại biểu bàn luận về việc lấy ý kiến người dân với một đô thị có nhiều điểm đặc thù như TP.HCM. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-9, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo góp ý cho dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Góp ý về những quy định liên quan đến hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng, ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, trong dự thảo luật có quy định là ban này sẽ có hoạt động tổng kiểm tra so với trước đây chỉ có quy định giám sát.

Lấy ý kiến cộng đồng dân cư: Trên 50% đồng ý là... thông qua ảnh 1

Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo ông, cần bàn thêm nội dung này vì công tác kiểm tra đòi hỏi tính chuyên môn. Trong khi ban thanh tra nhân dân chủ yếu là các cô chú lớn tuổi, có người am hiểu, có người không mà đưa vào hoạt động kiểm tra thì dự thảo luật phải có quy định công tác bồi dưỡng, đào tạo cho lực lượng này.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, nên quy định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với việc hỗ trợ kinh phí hoạt động của ban Thanh tra nhân dân.

Về ban giám sát cộng đồng, ông Nghĩa nêu điểm bất cập trong nghị định 29, Luật đầu tư công có quy định là phải thực hiện thành lập ban giám sát cộng đồng theo từng chương trình, dự án. Một xã có bao nhiêu công trình thì phải thành lập bấy nhiêu ban giám sát cộng đồng.

Ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo ông Nghĩa, TP.HCM có nhiều trường hợp là xã có nhiều công trình, phải thành lập nhiều ban giám sát cộng đồng. Trong khi đó, kinh phí hoạt động của ban này theo quy định chỉ có tối thiểu 1 ban/1 năm/1 xã. Nếu một xã mà có 10 ban thì phải chia kinh phí ra; chưa kể hệ thống MTTQ TP.HCM thì không có nhiều nhân sự để cơ cấu cho ban này.

Từ đó, ông đề xuất mỗi xã chỉ nên thành lập một ban giám sát cộng đồng. Công trình ở nơi nào thì người dân nơi đó được cơ cấu vào ban này để giám sát, không nên thành lập theo từng dự án.

Đại diện Hội Nông dân TP cho rằng, hiện nay, ban thanh tra nhân dân ở phường, xã, thị trấn, doanh nghiệp mà chưa có thành lập tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động rất khó khăn do không có kinh phí.

“Có nơi có thể nói là không có hoạt động, chỉ cầm chừng”- đại diện Hội nông dân TP nói.

ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, một trong những nội dung quan trọng của luật này là để nhân dân quyết định.

Trong dự thảo luật ở điều 17, khoản 1 có ghi để lấy được ý kiến người dân bàn và quyết định thì phát phiếu lấy ý kiến từng hộ gia đình. Quy định ở điều 51 là để quyết định của cộng đồng dân cư có tính hiệu lực thì phải tùy theo tính chất, phải có từ 2/3 hoặc từ 50% ý kiến hộ gia đình đồng ý thì quyết định đó mới có hiệu lực.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, ĐBQH Trần Kim Yến góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, ĐBQH Trần Kim Yến góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Yến đặt vấn đề, trên địa bàn TP.HCM có những khu dân cư rất đông; như ở quận Bình Tân có khu phố đến 20.000 dân. Số dân này lại là dân tạm cư nhiều hơn, có người đến thuê một căn nhà ở khá lâu; cũng có những người cũng ở theo kiểu tạm bợ.

“Vậy thì chúng ta tính từng hộ dân như thế nào, lấy ý kiến của người dân quyết định cho một vấn đề ở dân cư thì tính ra sao vì khi luật ra rồi, lấy không đủ thì không được”- bà Yến nói.

Bà Yến nêu một thực tế, nhiều người mua căn hộ, mua nhà để đầu tư, cho thuê chứ không ở thì lấy ý kiến như thế nào. Bởi, nếu lấy ý kiến của người thuê thì họ bảo thuê đến tháng sau trả nhà, lấy ý kiến người chủ căn hộ đó thì họ nói họ không ở tại đó.

Bà cũng dẫn chứng cụ thể về quy định xây dựng chung cư, quy định phải là 100% hộ dân đồng tình lựa chọn nhà đầu tư. Ở quận 1 có chung cư có 38 hộ dân nhưng chỉ có 36 hộ đồng ý, còn 2 hộ không đồng ý, vẫn cứ bị dây dưa mấy năm trời không thể xây dựng được.

Ý kiến này đã được các đại biểu tại hội thảo bàn luận sôi nổi. Các đại biểu đều thống nhất rằng, tỉ lệ biểu quyết xin ý kiến, phát phiếu lấy ý kiến trên 50% cộng đồng phải phát phiếu, thu lại cũng trên 50% số phiếu công dân cần lấy ý kiến. Trên số phiếu thu lại đó đạt tỉ lệ trên 50% đồng ý nữa thì coi như đó là ý kiến đại diện của cộng đồng dân cư.

Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến về khái niệm “cộng đồng dân cư” cần cân nhắc thêm yếu tố người nước ngoài. Phía đại diện Hội cựu chiến binh TP cho rằng người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc rất đông, có nhiều đóng góp cho cộng đồng dân cư nên cần phải được đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu. Theo ông, đây là những ý kiến xác đáng từ thực tiễn các quận, huyện tại TP.HCM, góp phần hình thành bộ luật sát hơn với đời sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm