Mặc dù đến 9 giờ sáng 15-2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch) lễ khai hội chùa Hương mới chính thức diễn ra nhưng từ lúc 2 giờ sáng, gia đình chị Nguyễn Thị Vân (30 tuổi, quê Hải Dương) gồm tám người đã lục tục thức dậy bắt đầu đi lễ. Cũng như gia đình chị, hàng ngàn người khác cũng đã nhấp nhổm chuẩn bị vượt suối Yến, vào Thiên Trù, động Hương Tích bái Phật vào lúc giữa đêm.
Đi chùa từ lúc nửa đêm
Tình trạng đội lễ chùa thuê vẫn hoạt động nhộn nhịp. Ảnh: ND
Theo quy định của ban tổ chức (BTC) lễ hội chùa Hương, các đò chở khách chỉ được phép chở khách vào lễ hội lúc 5 giờ sáng nhưng chỉ mới hơn 3 giờ sáng tại bến đò suối Yến, hàng trăm thuyền, đò chật lèn khách liên tiếp nối đuôi nhau đưa đón du khách trẩy hội. Các “đò trưởng” là những người dân sinh sống quanh đấy, có thể là một cụ già, thanh niên hoặc cũng là một cậu bé. Trời mưa, khung cảnh rừng núi tối đen như mực, các “trưởng đò” sử dụng đèn pin và cả âm thanh miệng làm tín hiệu tránh, có cả tiếng trẻ con. Một giọng phụ nữ hoảng hốt: “Không có áo phao á?”. Anh Trần Văn Vinh (46 tuổi, nhà ở Hà Nội) nửa đùa nửa thật: “Đi như thế này cũng thú vị ra phết. Vừa cảm nhận được khí trời linh thiêng, vừa nơm nớp hồi hộp sợ đò… đụng nhau. Đầu năm nói dại, nhỡ mà lật đò thì… không chết đuối cũng chết rét”.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương, cho biết BTC đã có chỉ đạo và yêu cầu các chủ đò thực hiện việc các chủ đò chở khách theo quy định, có dụng cụ cứu hộ nhưng nhu cầu của du khách nên một số chủ đò vẫn vi phạm. Việc này cũng cần ý thức của cả du khách.
Nhiều người lo xa còn chọn cách lưu trú tại khu vực chùa Thiên Trù từ tối hôm trước. Một số lều bạt dã chiến được dựng lên chỉ đủ để che sương. Chiếu được xếp san sát nhau theo kiểu ngủ tập thể được cho thuê với giá 50.000 đồng/chiếu.
“Bơi” giữa biển người để bái Phật
Dòng suối Yến dẫn đến chùa Hương đen đặc người và đò. Ảnh: ND
Theo ông Hậu, tính tới hết mùng 5 tết đã có trên 110.000 du khách về lễ chùa. Trong đó, tính riêng mùng 5 BTC đã bán hơn 43.000 vé tham quan. Theo dự tính, trong ngày khai hội, chùa sẽ đón khoảng 60.000 lượt khách. Cũng theo ông Hậu, năm nay tình trạng chèo kéo khách đã giảm đáng kể. BTC phố hợp với Công an TP Hà Nội đã tiến hành triển khai lực lượng cách chùa Hương hàng chục kilomet để ngăn chặn tình trạng chèo kéo du khách cũng như bố trí lực lượng trong khu vực lễ hội để ngăn chặn những tình trạng móc túi, trộm cắp.
Tuy nhiên, tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng lên. Lượng du khách quá lớn khiến tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra. Tại khu vực quầy vé cáp treo, hàng ngàn người chen lấn xô đẩy bất chấp trong đó có nhiều cụ già và trẻ em, bất chấp sự can thiệp của lực lượng bảo vệ. Nhiều người chờ hàng tiếng đồng hồ dưới trời mưa vẫn chưa lên được cáp treo. Trước giờ khai mạc ít phút, BTC dừng bán vé cáp treo và đây là lúc các phe vé hoạt động. Cả tuyến đường bộ cũng trong tình trạng quá tải. Cả biển người đổ dồn về đường lên động Hương Tích.
Tha hồ chặt chém
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn, cho biết từ những ngày lễ hội đầu năm đến giờ chưa có trường hợp du khách nào trình báo bị mất trộm hay bị chèo kéo làm phiền. Hàng chục nhà vệ sinh đạt chuẩn đã được xây dựng lắp ghép thêm và các thùng rác cũng được bố trí ở nhiều địa điểm. Công an huyện Mỹ Đức tăng cường thêm 10 cảnh sát môi trường tham gia cùng đội kiểm tra, xử phạt vi phạm môi trường nhằm chấm dứt tình trạng xả rác tại lễ hội. Tuy vậy tình trạng rải tiền công đức, muối, gạo vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Tại đền Trình, chùa Thiên Trù, du khách vẫn thản nhiên ném tiền xuống giếng thần, đút tiền vào các kẽ tay, dưới bàn chân những pho tượng… Dù có biển “Cấm rải muối, gạo trắng” nhưng dưới chân và trên mình hai chú sư tử đá cùng hai chú voi đá đặt trước cổng đền Trình trắng xóa muối và gạo.
Tình trạng chặt chém du khách vẫn không giảm. Một tô phở tái, mì tái lõng bõng nước, vài lát thịt có giá 60.000 đồng. Một chai nước khoáng giá 15.000 đồng trở lên. Chị Vân Anh (quê Quảng Ninh) bức xúc: “Gia đình tôi bốn người ăn bốn tô phở toàn nước, mấy chai nước, đến khi tính tiền gần 500.000 đồng”. Dọc đường dẫn lên động, các loài hươu, nai, hoẵng đã giết mổ treo lủng lẳng trước các hàng quán. Ông Thanh khẳng định toàn bộ số thú bị giết thịt và bày bán tại bến Thiên Trù là động vật nuôi chứ không phải động vật hoang dã. Ông Thanh cũng thừa nhận việc giết mổ tại bến Thiên Trù gây phản cảm nhưng là vật nuôi nên không thể cấm được mà chỉ có thể tiến hành kiểm dịch xem có đạt vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Phí tham quan danh thắng chùa Hương và phí thuyền, đò, cáp treo năm nay không tăng so với năm ngoái. Giá cáp treo 120.000 đồng khứ hồi và 80.000 đồng/chiều. Giá vé dành cho trẻ em là 80.000 đồng khứ hồi. Giá vé tham quan chung cho toàn khu di tích chùa Hương là 50.000 đồng/lượt, giá vé thuyền đò tuyến Hương Tích (tuyến chính) là 40.000 đồng/lượt. Mùa hội này có khoảng 4.800 thuyền, đò được đưa vào sử dụng phục vụ du khách. |
NGUYỄN DÂN