Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, 12 di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc 4 loại hình gồm: Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian.
Theo danh sách này có Hội Minh thệ thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Ngoài ra còn có Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng; Nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định…
Lễ hội Minh thệ diễn ra vào khoảng 21-2, tức 14 tháng Giêng âm lịch. Theo lịch sử của làng, khoảng giữa thế kỷ XVI, thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của vua Mạc Đăng Dung) bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ ở thôn Hòa Liễu. Thái hoàng thái hậu mua 25 mẫu, tám sào, hai thước ruộng cúng tam bảo và cho dân Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu) được sử dụng. Ruộng này làng gọi là thánh điền. Một phần diện tích ruộng dành cho nhà chùa cày cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, một phần chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc, phần còn lại cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, quả phụ…
Để phòng tham nhũng trong việc sử dụng hoa lợi từ số ruộng trên, thái hoàng thái hậu đã cùng với dân làng lập ra hịch văn hội minh thệ quy định lấy chí công làm trọng. Hội minh thệ từ đó diễn ra vào ba ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hằng năm.