Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc!

(PLO)- Nhà văn Lê Lựu từng đến Mỹ nói chuyện cho hàng ngàn người nghe. Những lần nói chuyện của ông đã được ghi băng đĩa và bán sạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà văn Lê Lựu đã rời cõi tạm vào ngày 9-11 (ông sinh năm 1942, thọ 81 tuổi). Những đồng nghiệp đã chia sẻ về cuộc đời và tác phẩm của ông.

“Sứ giả hòa bình” Việt Nam đầu tiên

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: Tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác. Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh.

“Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.

Nhà văn Phùng Văn Khai kể lại cuộc đi Mỹ năm 1988 của nhà văn Lê Lựu. Khi đó, tới được nước Mỹ đã là chuyện huyền thoại không thể tin nổi. Lê Lựu từng phải nằm ở Bangkok ba tuần để chờ thủ tục visa. Nhà văn Lê Lựu đã bằng kế sách xuất bản “báo miệng” mà thu hút, hấp dẫn và thu phục được hàng ngàn người đến nghe. Mỗi bài nói của Lê Lựu ở nơi ông đến đều là những bài báo sắc sảo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong đầu. Ông nói say sưa từ con số đến con người, từ tinh thần đến vật chất. Người ta bèn nghĩ ngay ra việc ghi băng đĩa để bán cho những người không kịp tới nghe.

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: TL
Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: TL

“Hàng vạn băng cassette được tung ra lập tức hết nhẵn. Lại tái bản, lại hết sạch. Đến nỗi Lê Lựu chưa kịp về nước thì những băng cassette ghi các cuộc nói chuyện của ông đã về nước rồi. Người trong nước còn khao khát hơn nhiều. Lại sao chép và bán cho người nghe vô hồi kỳ trận” - nhà văn Phùng Văn Khai hồi tưởng.

Nhà thơ Anh Ngọc nói thêm sở dĩ nhà văn Lê Lựu được mời đi Mỹ vì các nhà văn và bạn đọc nước này yêu thích ông ở sự trung thực. Trung thực là điều quan trọng số một của con người nói chung và của nhà văn nói riêng. Tính trung thực với suy nghĩ và bản chất của mình là đặc trưng của Lê Lựu, ông nghĩ thế nào, cảm thấy thế nào viết ra như thế. “Sự thành công của Lê Lựu trong một chữ đó là Thực: Sống thực, viết thực, đúng như thực” - nhà thơ Anh Ngọc nói.

Nhân vật vận vào đời

Nói về con người nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Anh Ngọc đánh giá tác giả của Thời xa vắng là một người dễ nhận biết khi mới gặp. Bản chất và hình ảnh của ông đúng là một nhà văn có gốc gác nông dân rất rõ. Lê Lựu không phải là người học cao, học rộng, giàu có về kiến thức về sách vở nhưng ông là một nhà văn có thực tài bẩm sinh.

“Tác phẩm của Lê Lựu rất chân thực, đúng như ông nghĩ, cảm thấy thế nào ông ấy viết như thế. Tính cách và hoàn cảnh của Lê Lựu làm cho ông ấy có cuộc sống tinh thần nhiều khổ sở. Từ việc lấy vợ, bỏ vợ, rồi lại lấy vợ và bỏ vợ. Con cái, gia đình, nhà cửa có nhiều cái khổ, nết khắc khổ hiện lên trên nét mặt, tính cách của ông” - nhà thơ Anh Ngọc nhận định.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, người từng có thời gian làm việc với ông lại nhớ nhất những lần họp giao ban cơ quan, chị mô tả: “Người nói to nhất là ông Chu Lai. Người nói những câu buồn cười nhất mà mặt cứ tỉnh bơ là ông Trần Đăng Khoa. Người uống nhiều... thuốc nhất là ông Lê Lựu. Không hiểu sao cứ đến giờ giao ban là ông bắt đầu uống thuốc, một vốc to. Ông bảo ông phải uống cho... 11 thứ bệnh”.

Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền vai Thảo trong phim Thời xa vắng. Ảnh: TL
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền vai Thảo trong phim Thời xa vắng. Ảnh: TL

10 năm trước khi mất, ông phải trải qua những tháng ngày “bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm” với hơn 14 thứ bệnh: Tai biến mạch máu não, tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận…

Nhà văn Phùng Văn Khai đánh giá Lê Lựu từ bé đã được độc lập làm người lính, độc lập làm báo, làm văn, độc lập mở mang sự nghiệp, lại còn được bao nhiêu người xúm vào nghe ông nói. Các thế hệ đua nhau đọc tác phẩm của ông, các lãnh đạo lắng nghe và tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho ông...

“Tóm lại là muốn sao được vậy thì cơ cực nỗi gì? Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc! Trời đất! Còn phải nghi ngờ gì nữa?” - nhà văn Phùng Văn Khai bày tỏ.

Vào năm 2020, phim Thời xa vắng được phát sóng trong Tuần phim Việt trên VTV Go. Trong cuộc trò chuyện trước giờ phim lên sóng, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền cho biết cô nhận lời đóng Thời xa vắng - phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu khi mới 18 tuổi (chưa đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2004). Cô vào vai Thảo, mối tình đầu của Giang Minh Sài (Ngô Thế Quân).

“Các bạn trẻ xem phim sẽ nhận được giá trị to lớn không thể xây dựng ở thời điểm hiện tại. Các bạn có thể thích hoặc không thích nội dung nhưng thực sự được trở về thời xa vắng của miền quê Bắc bộ Việt Nam thời bấy giờ” - Hoa hậu Nguyễn Thị Huyển nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm