Bạn Cao Thế Dung thân mến,
Việc bạn hỏi có liên quan đến luật kỵ húy của thời quân chủ ở nước ta, phỏng theo các triều đại phong kiến Trung Hoa. Theo đó, tên các bậc vua chúa, cha mẹ vua, vợ vua… đều phải được thần dân tôn trọng, không ai được dùng, không được nói, không được viết, không được đặt tên cho con cháu, tên đường, tên địa phương… Bộ luật Gia Long quy định: “Kẻ nào, trong các bản viết hay trình gì với vua, mà dùng một tiếng trùng với tên vua sẽ bị phạt 80 trượng. Nếu phạm trong những giấy tờ khác thì sẽ bị phạt 40 trượng. Nếu dùng tên ấy đặt tên con sẽ bị phạt 100 trượng”.
Tượng đồng vua Lê Thánh Tông.
Cứ theo nguyên tắc ấy mà vận dụng thì tên húy rất nhiều nên mỗi triều vua đều có lệnh kiêng húy bổ sung, mãi đến các đời vua cuối triều Nguyễn (trước Cách mạng Tháng Tám 1945) vẫn còn. Trong các lệnh này đều có liệt kê đầy đủ các chữ húy để mọi người biết mà tránh. Khi gặp tên húy thì phải nói chệch và viết chệch đi.
Từ đó, đã có hàng loạt tiếng Việt phải viết chệch đi, về sau đến nay vẫn còn. Thí dụ: “Hoa” (tên bà Hoàng Quý Phi của vua Thiệu Trị) phải đổi thành “Huê” (Huê Kỳ) hay “Bông” (cầu Bông); “Mệnh” (tên vua Minh Mệnh) phải đổi thành “Mạng” (cách mạng); “Thì” và “Nhậm” (tên vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Thì và Hồng Nhậm) phải đổi thành “Thời” và “Nhiệm” (đường Ngô Thời Nhiệm); “Tông” (tên vua Thiệu Trị: Miên Tông) phải đổi thành “Tôn” (đường Tôn Đản, đường Lê Thánh Tôn)...
Thân chào bạn.