Ông Đào Ngọc Dung cho biết dự luật lần này bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động. Bởi qua tổng kết cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn lao động VN đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài…
Sở dĩ có tình trạng này vì theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp (DN) chỉ được tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Cạnh đó, do DN không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo nên chất lượng nguồn lao động đưa đi chưa cao. “Đối với những hợp đồng có số lao động lớn, yêu cầu có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng nghề cao thì DN không có đủ thời gian để tuyển chọn dẫn đến chất lượng lao động không đảm bảo. Từ đó dẫn đến DN mất hợp đồng, mất đối tác, giảm tính cạnh tranh với nguồn lao động được cung ứng từ các nước khác…” - ông Dung lý giải.
Bà Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung dự luật. Ảnh: VGP
Cạnh đó, ông Đào Ngọc Dung cho biết dự luật cũng bổ sung quy định giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc nước ngoài có thời hạn năm năm. Quy định này nhằm đảm bảo các DN sau khi cấp phép luôn nỗ lực nâng cao năng lực, uy tín hoạt động, duy trì và phát triển mở rộng thị trường và chăm lo quyền lợi của người lao động. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở/cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các DN.
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng quy định việc quy định giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn thành có thời hạn năm năm sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN. Do đó, ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này, không nên tạo thêm rào cản cho DN, mà cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Ủy ban tán thành việc bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của DN hoạt động dịch vụ khi chuẩn bị nguồn lao động; quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội; công cụ để theo dõi, quản lý hoạt động tạo nguồn lao động...
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, ủy ban nhận thấy rằng việc liệt kê một số công việc theo danh mục như dự thảo vừa thừa vừa thiếu. Ví dụ, công việc massage, làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí có phải là ngành nghề bị cấm không. Trên thực tế hiện nay đây cũng không phải ngành nghề bị cấm ở VN, trừ công việc trá hình trái pháp luật thì đã bị hạn chế.
“Bên cạnh đó, pháp luật VN đã có quy định riêng về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Do vậy, đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định về các nghề trên khi đi làm việc ở nước ngoài cho phù hợp…” - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.