Lo ngại nguy cơ gián điệp từ Huawei

Việc Tổng thống Donald Trump ngăn cản thương vụ sáp nhập trị giá 117 tỉ USD giữa hai công ty đã khiến Hook Tan - Giám đốc điều hành của Broadcom giận dữ. Trump cho biết thỏa thuận mua bán này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời lo ngại phía Broadcom sẽ giảm tiền chi tiêu cho việc nghiên cứu của Qualcomm, gián tiếp đem lại lợi thế cho Huawei trong cuộc chạy đua triển khai mạng 5G.

Trước đó, nhà mạng Verizon cho biết sẽ không bán bất kỳ điện thoại nào của Huawei vì áp lực từ chính phủ Mỹ. Tương tự, nhà mạng AT & T cũng đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận với Huawei trong việc bán Mate 10 Pro sau khi nhận được áp lực tương tự. 

Một ngày sau khi quyết định của AT & T được đưa ra, giám đốc điều hành của Huawei là Richard Yu đã chia sẻ phản ứng của ông trong một bài phát biểu quan trọng tại CES 2018. Ông nói rằng đây là một tổn thất lớn đối với Huawei cũng như các hãng viễn thông, tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ chịu tổn thất nhiều nhất bởi họ không có được lựa chọn tốt nhất. Tại Mỹ, hơn 90% smartphone được bán thông qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. 

Theo báo cáo mới đây của CNET và Reuters, nhà bán lẻ Best Buy sắp tới sẽ ngừng bán hoàn toàn smartphone của Huawei. Công ty đã ngừng đặt hàng điện thoại mới và không bán những sản phẩm của Huawei trong vài tuần tới. Việc mất Best Buy (nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng lớn nhất nước Mỹ) là một trở ngại lớn cho công ty công nghệ Trung Quốc. Không chỉ smartphone mà ngay cả laptop, smartwatch của Huawei và Honor cũng sẽ bị loại bỏ khỏi các cửa hàng Best Buy trong tuần tới.

Những người đứng đầu các cơ quan lớn tại Mỹ gồm FBI, CIA, và NSA đều khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại Huawei do các mối liên quan giữa công ty và chính phủ Trung Quốc. Hiện tại, một dự luật mới đang được thông qua Quốc hội để cấm các cơ quan chính phủ sử dụng điện thoại Huawei và ZTE.

Huawei đã và đang cố gắng đẩy mạnh nỗ lực xâm nhập vào thị trường Mỹ nhưng chính phủ nước này lo ngại rằng công ty Trung Quốc có thể là mối đe dọa an ninh. Mục tiêu tiếp cận với thị trường và người dùng mới cũng như nâng cao danh tiếng tại Mỹ đã sớm bị dập tắt.

Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Huawei dù công ty này luôn chứng minh rằng họ không có bất cứ liên quan nào với chính phủ Trung Quốc. Hồi năm 2003, Cisco cáo buộc Huawei đã lấy cắp mã nguồn để xây dựng router (định tuyến mạng). Huawei đã bác bỏ các tuyên bố trên, đồng thời sửa đổi cũng như ngưng một số dòng sản phẩm. 

Nghi ngờ lại tiếp tục dâng cao vào năm 2013 khi cựu giám đốc NSA là Michael Hayden tuyên bố rằng ông đã có bằng chứng chứng minh Huawei là gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Australian Financial Review, Hayden cho biết Huawei đã “chia sẻ kiến thức cho chính phủ Trung Quốc về các hệ thống viễn thông tại nước ngoài mà công ty đang tham gia”, mặc dù ông không tiết lộ bất kỳ bằng chứng nào.

Tháng trước, 18 nhà lập pháp đã ký một lá thư đề nghị Chủ tịch FCC (Ủy ban Truyền thông liên bang) Ajit Pai xem xét lại kế hoạch bán các sản phẩm tiêu dùng Huawei tại Mỹ vì những lo ngại về nguy cơ gián điệp. 

Để chống lại nguy cơ bị theo dõi thông qua các thiết bị của Huawei và ZTE, Mike Conaway (R-TX) đã đưa ra một đạo luật cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng điện thoại và thiết bị từ hai công ty trên. PW Singer, tác giả của Cybersecurity và Cyberwar, chia sẻ với The Verge rằng bạn không chỉ bị phụ thuộc mà còn dễ bị tấn công, mọi thứ không chỉ bắt đầu bây giờ mà còn kéo dài trong nhiều năm.

Mới đây, một bài trình bày bằng Powerpoint của chính quyền Mỹ bị rò rỉ, trong đó chứa các đề xuất xây dựng mạng lưới 5G quốc hữu hóa nhằm ngăn chặn các mối đe dọa giám sát từ Trung Quốc.

 

Đọc thêm