Hầu hết HS ở các lớp phổ cập đều có hoàn cảnh kém may mắn, đủ lứa tuổi khác nhau, phải bươn chải hàng ngày để lo miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Với các em, việc sắp xếp thời gian để đi học vào buổi tối đã khó, huống gì phải tốn tiền để mua quần áo, đồ dùng học tập. Chính vì thế, ngoài việc đứng lớp, thầy cô ở trường đêm cũng phải đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, xin lại các tập sách, bút vở hay quần áo...để kịp trao cho các em trong ngày khai giảng.
Thầy Huỳnh Thúc Tịnh, hiệu trưởng trường phổ cập phường 12 - quận Bình Thạnh, cho hay các em trường đêm cũng đón khai giảng như trường ngày nhưng vào buổi tối. Vì sau ba tháng nghỉ hè, mỗi em một hoàn cảnh nên đến nay vẫn chưa tựu trường đủ, chỉ hơn 50 HS. Sách vở, quần áo còn thiếu thốn. Thời gian này các giáo viên sẽ quan sát, thăm dò xem những em nào khó khăn, thiếu thốn gì, rồi nhà trường tập hợp lại để có phương án hỗ trợ ngay.
Theo thầy Tịnh, dù là phổ cập nhưng phải nề nếp, cũng phải quần xanh áo trắng, tạo môi trường và điều kiện để các em học hành được đàng hoàng. Các em thiếu gì thì nhà trường sẽ cố gắng đi xin nấy để động viên cho các em đi học là chính.
Một lớp học ban đêm của trường phổ cập giáo dục phường 12, Bình Thạnh
“Vui nhất là năm nay có một một trung tâm ngoại ngữ đến hỗ trợ dạy tiếng Anh miễn phí cho các em từ lớp 3 đến lớp 5 vào cuối tuần. Các em sẽ được dạy những kiến thức cơ bản như từ vựng, giao tiếp,... Nhà trường đang lên kế hoạch, nội dung chương trình cụ thể để trình phòng GD&ĐT phê duyệt. Các em tuy bươn chải những việc như bán vé số, bán hàng, làm thuê...nhưng nếu có thêm chút tiếng Anh thì sẽ thuận lợi hơn nhiều” – thầy Tịnh phấn khởi nói.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Ngôn, giáo viên dạy phổ cập lớp 4 tại trường tiểu học An Hội - quận Gò Vấp, cũng bày tỏ vui mừng khi xin hỗ trợ được ít cặp sách cũ, bút viết, sách giáo khoa...cho các HS trường đêm.
Cô Ngôn cho biết trường hiện chỉ còn khoảng 20 em học phổ cập từ 11 đến 16 tuổi, học lớp 1 đến lớp 5 và chờ ngày khai giảng sẽ bắt đầu học. Vì hầu hết các em đều khó khăn nên mọi thứ thường do các giáo viên đi vận động để xin tài trợ.
“Đi đâu thấy ai mua cặp sách mới thì mình xin lại cặp cũ, dặn các em HS có điều kiện giữ gìn sách để giúp các em khó khăn lớp dưới năm học sau. Ai có bút, thước dư thì xin về. trường ngày sẽ trích quỹ khuyến học để hỗ trợ mua thêm cho các em. Cứ gom góp như thế, các em sẽ có đồ dùng và thích thú đón năm học mới hơn” – cô Ngôn hào hứng nói.