Trận lũ ống rạng sáng 3-8 đã quét một cơn kinh hoàng lên hai địa phương Yên Bái và Sơn La. Nhiều người dân ở thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn còn chưa hết nỗi sợ hãi nói: “Chưa bao giờ lũ ống xảy ra khủng khiếp, cuốn trôi mọi thứ như lần này”.
Yên Bái, Sơn La tổn thất lớn
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCMchiều 3-8, ông Nông Việt Yên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, cho biết trận lũ quét rạng sáng 3-8 ở trung tâm thị trấn huyện Mù Cang Chải đã làm 15 người bị chết và mất tích, tám người bị thương, 46 nhà hoặc bị cuốn trôi hoàn toàn hoặc bị sập do lở đất.
Ngoài ra, mưa lũ đã làm quốc lộ 32 đoạn Km 289+300 bị sạt lở taluy dương, khối lượng đất đá vùi lấp nền đường khoảng 2 km với trên 10.000 m3. Đường từ UBND xã Chế Cu Nha về các bản sạt lở nhiều đoạn. Ngoài ra, nhiều công trình công cộng bị thiệt hại nặng nề…
Đồng thời với việc tìm kiếm người mất tích, các lực lượng chức năng cũng khẩn trương bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ bị mất nhà cửa, tiếp nhận sự hỗ trợ và ủng hộ kinh phí cho những hộ có người chết, người mất tích, người bị thương và thiệt hại về nhà cửa. “Ước thiệt hại trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tính đến chiều 3-8 là khoảng 80 tỉ đồng” - chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái cho biết.
Trong khi đó tại Sơn La, đến 16 giờ cùng ngày, địa bàn huyện Mường La có 140 nhà bị lũ cuốn trôi, 43 nhà bị hư hỏng nặng, 12 người mất tích, bốn người chết và ba người bị thương. Đặc biệt tại xã Nặm Păm, là xã bị thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản, vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả. Ảnh: X.TUYẾN
Lũ khủng khiếp ở huyện Mường La (Sơn La) làm nhiều người chết và mất tích. Ảnh: BÁO SƠN LA
Lũ khủng khiếp chưa từng thấy
Ông Vũ Văn Hưng (Phó Chánh Văn phòng Phòng, chống lụt bão tỉnh Yên Bái) từ thị trấn Mù Cang Chải cho hay nhiều bản vẫn bị lũ chia cắt, bị mất đường sá nên lực lượng chức năng vẫn đang cố gắng tiếp cận tìm kiếm số người mất tích, đồng thời hỗ trợ bà con.
“Tôi chưa bao giờ thấy đợt lũ ống nào càn quét nhà cửa như đợt lũ ống này. Một không khí ảm đạm, tang thương đang phủ khắp vùng đất nơi đây. Hy vọng con số người mất tích và chết không tăng lên”. Ông Hưng nói và cho biết các lực lượng chức năng đang nỗ lực giúp đỡ người dân nơi xảy ra lũ quét về mọi mặt.
Cùng nhận định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định đây là một trận lũ ống kinh hoàng, chưa từng xảy ra tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La). Thứ trưởng cũng dẫn lại lời người dân địa phương cho hay chưa khi nào mà lũ ống mạnh, chảy xiết, có thể cuốn phăng tất cả những gì cản trở trên đường đi.
Theo ông Thắng, những trận mưa với cường độ cực lớn thực tế đã từng xảy ra ở Quảng Ninh và bây giờ là Yên Bái và Sơn La. Nguyên nhân dẫn đến điều này do biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan và khó lường, khó dự báo vì nó chỉ ở những phạm vi nhỏ. Hơn nữa hai địa phương trên đều có địa hình dốc nên khi xảy ra thì hậu quả quá khủng khiếp.
Thứ trưởng Thắng thông tin thời tiết mưa cực đoan với cường độ cao sẽ còn xảy ra cục bộ. Trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, di dời người dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro thì từ đây sẽ hạn chế được hậu quả do lũ ống, lũ quét đi qua.
ĐẶNG TRUNG
Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét
Chiều 3-8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hậu quả mưa lũ ở tỉnh Yên Bái rất nặng nề. Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT và lãnh đạo một số bộ liên quan trực tiếp đến hiện trường để cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái xem xét, xử lý hỗ trợ, khắc phục hậu quả, nhất là thăm hỏi, động viên gia đình người dân bị ảnh hưởng.
Ngay chiều cùng ngày, trong chuyến thị sát tại tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu huy động lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích, hỗ trợ, cứu chữa người bị thương. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích, bị thương. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, bị mất tích 10 triệu đồng, hộ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết phải khẩn trương tập trung tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất những người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, mất tích; chăm sóc người bị thương, hỗ trợ các gia đình bị hư hại nhà cửa; kịp thời cho người dân về chỗ ở, thuốc men, nước uống, thức ăn…, đảm bảo không người dân nào bị đói, bệnh tật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa các công trình giao thông, thông tin liên lạc đảm bảo luôn thông suốt; dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; sửa chữa nhà cửa, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng thiết yếu. Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương sớm rà soát, lập quy hoạch các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở cao, từ đó có kế hoạch di dời người dân, công trình nhằm chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.