Án xưa chuyện cũ:

Luật pháp thời Trần xử nặng tội đánh bạc

Cái tệ cờ bạc xét cho cùng gần như thời nào cũng có kể từ khi món đỏ đen được thiên hạ biết tới. Tỉ như ở thời Trần (1226-1400).

Các quan chức đánh bạc ở Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Tội tử với quan đánh bạc

Dân ta truyền đời đến nay câu "Cờ bạc là bác thằng bần" để chỉ tác hại của tệ nạn này.

Còn trong Phú cờ bạc của Phạm Quang Sáng có viết về cái tệ ấy như sau: “Được ăn thua chịu, nhất quận công, nhì không lều, tiền ngắn bạc dài, trong anh em ngoài cờ bạc. Tham thì thâm, lầm thì thiệt, quá vui chơi nên nỗi rạc rài; đen thua lận, trắng thua mòn. Trót mê đắm thành ra gỡ gạc”.

Nhưng như ta đã biết, càng thua càng cố gỡ, mà càng đánh thì càng say và cứ thế mà tán gia bại sản.

Vua Trần Dụ Tông. Ảnh: Tư liệu

Riêng ở thời Trần, sách Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) khi viết về hình luật các thời có cho biết luật pháp nhà Trần thường rất khắc nghiệt. Biểu hiện có thể lấy luật xử tội đánh bạc mà dẫn, trong đó có vụ án Nguyễn Hưng.

Vụ án liên quan đến đánh bạc diễn ra vào tháng 3 năm Bính Thân (1296), được Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán nhà Nguyễn) cho hay liên quan đến một vị quan nhà Trần. Ấy là Thượng phẩm Nguyễn Hưng.

Kẻ công bộc này ham mê thói đỏ đen, hay đánh bạc sát phạt. Vua Trần Anh Tông biết được việc ấy, Thượng phẩm họ Nguyễn liền bị đem ra phạt tội. Mà nào có nhẹ gì đâu, vẫn sách trên ghi: "Tháng 3, mùa xuân, Nguyễn Hưng, tước thượng phẩm, có tội, phạt đánh trượng đến chết".

Tội được Khâm định Việt sử thông giám cương mục nói tới ấy là tội đánh bạc, mà tội này: "Chế độ nhà Trần, các quan viên đánh bạc phải xử tội nặng, Nguyễn Hưng cố ý phạm pháp nên nhà vua bắt đánh trượng cho đến chết".

Nguyễn Hưng đánh bạc bị đánh trượng đến chết. Ảnh: Tư liệu

Thân là kẻ làm quan, thay triều đình thi hành phép nước, đã không nêu gương thì chớ lại phạm vào tội vẩn đục phong hóa, khiến dân không phục. Vì vui vẻ nơi sòng bạc khiến viên quan thượng phẩm không còn cơ hội mà quay đầu là bờ nữa.

Kẻ trên không nghiêm

Luật pháp khắc nghiệt với tội đánh bạc là thế, và sử đã ghi rõ trường hợp vì tội ấy mà hồn lìa xác vì bị phạt tội. Điều ấy chứng tỏ luật nước thời Trần không chỉ làm ra để cho có, mà được thi hành nghiêm minh.

Ấy nhưng cũng có trường hợp lại không được như thế. Kẻ làm đại thần không nghiêm, thậm chí là vua, người giữ quyền lập pháp, hành pháp và cả tư pháp tối cao lại chính là kẻ phạm tội công nhiên nhất.

Như Trần Khắc Chung, dẫu trong kháng chiến chống Nguyên được khen là gan dạ, giỏi biện bạch với tướng giặc khi đại diện vua Trần nhưng căn cốt nhân cách lại không được như thế.

Chẳng nói đâu xa, Trần Khắc Chung cũng là kẻ nghiện cờ bạc, Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Tự Đức) còn ghi lại việc này: "Khi đánh bạc với người, thì được thua dù có một vài tiền, cũng thức suốt đêm không ngủ, ăn lưng cháo, tính người như thế". Vua Tự Đức nhìn về kẻ làm quan thời Trần này đã có thơ phê là:

Vốn quen lập dị, dối lừa dân,

Sao để vô tài tới chí thân.

Điều ấy cho thấy cũng có lúc luật pháp triều đình bị thi hành không nghiêm. Quan phụ mẫu như Trần Khắc Chung đáng ra phải làm gương sáng cho kẻ dưới noi theo thì ngược lại, là kẻ phạm tội công nhiên hơn ai hết.

Xử án thời xưa. Ảnh :Tư liệu

Trường hợp Trần Khắc Chung kể vậy đã là cái tệ lớn nhưng cuối thời Trần, đến người cầm cương khiển việc nước như vua Trần Dụ Tông thì tệ hại quá lắm.

Nói đến vị vua này, sử ghi không biết bao nhiêu tật xấu, trong đó có việc mà Việt sử tiêu án (Ngô Thời Sĩ) còn ghi: "Lại họp các nhà giàu như là làng Đình Bảng, ở tỉnh Bắc Giang. Làng Nga Đình ở Quốc Oai, vào trong cung đánh bạc làm vui, một tiếng bạc nghìn quan tiền". Sau này thời Nguyễn, trong Đại Nam quốc sử diễn ca  (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái) đã chê trách vua Trần Dụ Tông là:

Trong cung cờ bạc chơi bời,

Tiệc vui chuốc chén trận cười leo dây.

Thực tế đối xử với tội cờ bạc thời Trần cho thấy rõ là luật nước có nghiêm đấy nhưng không phải lúc nào cũng làm gương cho kẻ đại diện nước nhà thi hành phép nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm